Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đây là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ từ mọi miền đất nước. Trong đó có Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Mỗi ngày tại những nghĩa trang liệt sỹ, luôn có hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước, đến thăm viếng những phần mộ. Đó là những người đồng đội năm xưa cùng chung chiến hào; là những người bạn một thời “xếp bút nghiên” lên đường ra mặt trận chiến đấu. Đó là người con đến thắp cho bố một nén tâm hương, hay người mẹ với mái tóc bạc phơ ngồi thật lâu bên phần mộ của con mình. Cũng có cả người vợ hiền tần tảo, thủy chung, ngồi thủ thỉ bên phần mộ người chồng, tâm sự về những câu chuyện rất đỗi đời thường.
Khoác trên mình bộ quân phục, bên ngực trái gắn huy chương, cựu chiến binh Phạm Hồng Cam, 67 tuổi, từ Thanh Hóa đến thăm viếng những đồng đội còn nằm lại ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ông Phạm Hồng Cam tâm sự: “Năm nào tôi vào thăm đồng đội nằm Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn ít nhất một lần. Gặp lại đồng đội, tôi lại nhớ một thời cùng xông pha ra trận, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù nhưng tinh thần không nao núng. Đồng đội tôi đã hy sinh để cho đất nước được độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất”. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của trên 10.000 liệt sỹ từ khắp mọi miền đất nước. Nơi đây, ngày ngày làn khói hương vẫn quyện vào nhau, tỏa hương thơm ngát trên những phần mộ liệt sỹ, cùng với tiếng chuông thỉnh liên hồi, vang vọng khắp nghĩa trang này đã nêu cao chí khí:
"Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình".
Trong những ngày tháng 7 tri ân, nhân dân nhiều địa phương đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đang an nghỉ tại Quảng Trị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Từ dãy Trường Sơn hùng vĩ xuôi về dòng sông Thạch Hãn lịch sử, mỗi ngày của tháng 7, những cành hoa tri ân vẫn được thả xuống đều đặn, rồi trôi theo dòng Thạch Hãn yên bình. Tối đến, hàng nghìn đèn hoa đăng mang theo sự tri ân rực sáng, nối nhau thắp sáng dòng sông.
Thả nhành hoa tươi, anh Trần Trọng Hoàng, 27 tuổi, đến từ Nghệ An, lặng người nhìn theo hoa trôi dần về phía hạ nguồn sông Thạch Hãn. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi rất biết ơn các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và nằm lại nơi đây. Các anh đã hiến dâng cuộc đời mình, để cho những người trẻ như chúng tôi có cuộc sống yên bình. Đến đây tôi càng thấm thía và trân quý hơn giá trị của hòa bình”.
Không hẹn mà gặp, hàng nghìn người đã hội tụ tại Thành cổ Quảng Trị để cùng ôn lại những chiến công vang dội của quân và dân ta. Cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào sử sách của dân tộc và thế giới. Trong 81 ngày đêm (28/6/1972 - 16/9/1972) mảnh đất vẻn vẹn 6 km2 đã hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ (tương đương với sức công phá của bảy quả bom nguyên tử mà Mỹ đã từng thả xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945 trong Thế chiến thứ II). Để làm nên chiến công hiển hách, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và người dân đã không tiếc máu xương của mình. Ngày ngày, dòng người đến đây thắp những nén hương thơm, dâng những đóa hoa tươi thắm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và nhắc nhau rằng:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng.
Tháng 7 này đã có nhiều đoàn về nguồn tri ân trên vùng đất "lửa” Quảng Trị bằng việc trao tặng hàng tỷ đồng cũng nhiều suất quà, cho người có công với cách mạng. Điển hình là Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đã tặng 100 xe lăn, 100 xe đạp cho người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời hỗ trợ 250 triệu đồng xây dựng phòng học mẫu giáo ở xã Gio An, huyện Gio Linh.
Trong những ngày tháng 7 tri ân, nhân dân nhiều địa phương đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tặng 500 triệu đồng hỗ trợ UBND thị xã Quảng Trị xây dựng nhà tình nghĩa và tặng quà cho đối tượng chính sách; đồng thời trao tặng 200 triệu đồng để xây dựng cụm di tích tại chiến khu Ba Lòng ở huyện miền núi Đakrông. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng 11 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 620 triệu đồng; tặng 1 tỷ đồng cho Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, 40 triệu đồng cho Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng 50 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng cho gia đình có công...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, tỉnh đang xây dựng đề án “Festival khát vọng hòa bình” nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng, góp phần phát triển du lịch; đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình. Đề án này được xây dựng trên cơ sở những gì Quảng Trị đang có, riêng có và đặc sắc của tỉnh Quảng Trị.
Điều mà Quảng Trị riêng có và đặc sắc chính là hệ thống với trên 500 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Hệ thống di tích chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có tầm cỡ lớn về nội dung. Có thể khẳng định rằng, Quảng Trị là một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam. Những di tích lịch sử này đã tạo ra thương hiệu du lịch của Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”, với các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội như: Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Đường 9 – Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo – Sân bay Tà Cơn – đồi Động Tri, Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara…
Ngày nay, đi trên Quốc 1A, không ít người dành thời gian thăm Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cách đây 65 năm, Hiệp định Giơnevơ đã lấy Vĩ tuyến 17 trên con sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời 2 năm để chuẩn bị Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Bắc - Nam. Tuy nhiên, Đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước, rắp tâm xâm lược nước ta biến miền Nam thành bàn đạp để tấn công miền Bắc. Sông Bến Hải đã trở thành nơi chia cắt hai giới tuyến. Thế nhưng bằng ý chí sắt đá với quyết tâm “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, quân dân hai miền Bắc - Nam đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đoàn kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc chiến khốc liệt này, con người và mảnh đất Quảng Trị luôn kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, bền gan chiến đấu cùng với cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Đến đây, mọi người đều mang một niềm tự hào, sự tri ân và trào dâng khát vọng hòa bình. Theo kế hoạch, vào dịp Lễ 30/4/2020, tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ hội cách mạng gắn với Lễ hội Thống nhất non sông vốn được tổ chức định kỳ nhiều năm qua.
Từ sông Bến Hải du khách có thể đi ngược lên Đường 9 - Khe Sanh. Ngày nay, Đường 9 huyết mạch nối liền hai nước Việt Nam và Lào, giúp phát triển kinh tế và tình hữu nghị giữa hai nước. Dọc Đường 9 vẫn còn đó những địa danh hào hùng, đó là căn cứ Làng Vây - Nhà tù Lao Bảo – Sân bay Tà Cơn – đồi Động Tri. Nhiều người cũng dừng chân ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ, để tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên con đường này. Tại nghĩa trang này, mỗi khi có đoàn khách đến viếng, từng đàn chim bồ câu trắng – biểu tượng cho hòa bình, lại tung cánh tự do bay lượn như thể hiện khát vọng hòa bình, tự do, độc lập của người Việt Nam.
Trong chuyến công tác tại Quảng Trị vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ủng hộ tỉnh Quảng Trị tổ chức “Festival khát vọng hòa bình”; đồng thời cho rằng, đây là sáng kiến rất ý nghĩa và nhận được sự đồng tình của các tỉnh, thành phố khác và nhân dân cả nước./.
Nguyên Lý
TTXVN