Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư khải hoàn!

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Âm hưởng của Mùa xuân đại thắng 46 năm trước đang ùa về, làm bồi hồi tâm trí những người đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Như in trong họ là hình ảnh năm cánh quân tiến vào thành phố Sài Gòn, là khoảnh khắc chiếc xe tăng của quân giải phóng xô tung cánh cửa Dinh Ðộc Lập và lá cờ giải phóng tung cánh trên bầu trời trưa 30 tháng 4 năm 1975, còn sóng phát thanh truyền đi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh. Giờ phút ấy như một dấu son khải hoàn về ngày đất nước thống nhất, non sông một dải mà cả dân tộc đã chờ đợi hàng chục năm . . .

Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư khải hoàn! ảnh 1Các bà mẹ có công với cách mạng, đại diện cho đội quân tóc dài trong ngày giải phóng. Ảnh: TTXVN

Nhắc đến với những niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc ở Sài Gòn vào trưa ngày cuối tháng 4 năm 1975, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 như thấy ùa về ký ức hồi bốn mươi sáu năm trước. Khi đó, ông là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, được giao nhiệm vụ đốc chiến các đơn vị tấn công căn cứ Đồng Dù, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất ở hướng Tây Bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa.

“Lúc chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, chúng tôi đều tin tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay, bởi quân và dân ta vừa đánh thắng hai chiến dịch lớn là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng. Còn quân nguỵ thì tinh thần đã xuống rất thấp”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.

Kể về những chiến trường rực lửa, những lần đi qua lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết trong các trận đánh, Trung tướng Khuất Duy Tiến lại bồi hồi thương nhớ những đồng đội, đồng chí đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, trên những cung đường, cây cầu, lòng sông, cửa biển, để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 vĩ đại, để đất nước một dải. Họ “mãi mãi tuổi hai mươi” trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi chọc thủng phòng tuyến sông Pô Cô để mở cửa Tây mặt trận Tây Nguyên. Họ là những chiến sỹ đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh ngay trước giờ phút toàn thắng. Song như chia sẻ đến thắt lòng của ông, vì thống nhất, vì độc lập, tự do, vì Tổ quốc và nhân dân, cho dù có phải hiến dâng cả xương máu, tính mạng thì cũng sẵn sàng.

Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư khải hoàn! ảnh 2Bốn chiến sỹ đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc phủ tống thống nguỵ quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

“Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc thống nhất, giải phóng đất nước”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói.

Buổi trưa lịch sử ở Sài Gòn trong tâm trí ông Dương Quang Lựa- người lái xe vận tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, cũng ăm ắp những cảm xúc “vui sao nước mắt lại trào”. 46 năm trước, ông Lựa là lái xe của Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 thuộc Đoàn 559. Chiều 29/4/1975, khi đơn vị đang tập kết ở một bìa rừng cao su gần căn cứ Nước Trong chuẩn bị cho những trận đánh cuối, ông được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ hết sức đặc biệt: Lái chiếc xe ô tô mang biển số CE 1283 chở lực lượng đặc công theo một mũi tấn công đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư khải hoàn! ảnh 3Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Đội hình thọc sâu của ông Dương Quang Lựa vừa hành quân, vừa chiến đấu đến sáng hôm sau thì tới cầu Sài Gòn rồi vượt qua ổ đề kháng của địch tại đây. Trưa 30 tháng Tư, Dinh Độc Lập hiện ra trước mắt. Sau khi xe tăng của ta húc đổ cổng sắt, ông Lựa cho xe vận tải thẳng tiến vào Dinh. Khoảnh khắc nhảy xuống xe nhìn ra các hướng, ập vào mắt người lái xe dũng cảm là lực lượng của ta đang dồn dập tiến về Dinh Độc Lập. Bên ngoài cánh cổng sắt là đông đảo người dân và cánh phóng viên báo chí.

“Mừng vui chiến thắng nhưng nhìn lại đội hình mới thấy, chiếc xe ban đầu có 40 cán bộ, chiến sĩ đặc công. Giờ chỉ còn lại chưa đầy 10 người…”, ông Dương Quang Lựa nghẹn ngào nhớ lại.

Những giờ phút của ngày khải hoàn đó, tin chiến thắng từ miền Nam dồn dập bay đi khắp mọi miền Tổ quốc. Và Hà Nội - hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam, sống trong những nhịp đập hào hùng, dõi theo những bước chân hừng hực khí thế của đại quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Muôn vạn trái tim từ lặng đi rồi như vỡ òa vào khoảnh khắc tin báo “quân ta đã giải phóng miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng” loan đi trên sóng phát thanh. Ước mơ đất nước thống nhất kéo dài hơn hai mươi năm của dân tộc đã trở thành hiện thực. Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc “đi trước về sau” đã trở về vòng tay của Tổ quốc.

Kể lại khoảnh khắc quân và dân Thủ đô Hà Nội như say trong niềm vui thống nhất, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thanh Loan, Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân nhớ lại, lúc đó bà và mẹ chồng đang ở phố Hàng Bông. Khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên chiếc loa ở đầu phố, hai mẹ con đứng ôm nhau khóc nức nở.

Nhân 46 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư khải hoàn! ảnh 4Tổng thống Nguỵ quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Ảnh: TTXVN

“Gia đình tôi có người thân di cư vào miền Nam từ năm 1954 nên niềm vui này càng thêm ý nghĩa. Những ngày sau đó, chúng tôi cứ đứng trên phố nghe đi, nghe lại bản tin báo chiến thắng, tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Mà nghe lần nào cũng không thấy chán. Rồi bài hát 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng' đâu đâu cũng rộn rã. Một cảm xúc không thể nào quên với thế hệ chúng tôi ngày ấy!”, Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan nhớ lại.

Rưng rưng niềm vui “hòa bình rồi”, bà Nguyễn Thanh Loan nghẹn ngào nhớ những năm tháng đất nước chia cắt, bà là diễn viên Đoàn kịch nói của Tổng cục Chính trị tham gia biểu diễn phục vụ quân dân trên tuyến lửa Khu 4, đường 9 - Nam Lào, tuyến lửa Quảng Bình, quân khu Xiêng Khoảng, Mường Xén. Nhớ những lần trào nước mắt ở tuyến sau khi biểu diễn phục vụ bộ đội bị thương được đưa về trạm xá. Nhớ những vai diễn trong các phim “Người về đồng cói”, “Bài ca ra trận”, “Bản đề án bỏ quên”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Phương án ba bông hồng”, đặc biệt là dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, bà với vai diễn "để đời" là ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn”…

“Thời đó chẳng ai sợ chết đâu. Mọi người yêu thương, chia nhau từng mẩu lương khô. Làm sao có thể quên những ngày tháng đó…”, bà Nguyễn Thanh Loan chia sẻ.

Những niềm vui, nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt của Trung tướng Khuất Duy Tiến, người lái xe vận tải Dương Quang Lựa và Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thanh Loan cũng là cảm xúc của thế hệ những người đã đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại. Có xúc động nào hơn khi chứng kiến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Dinh Độc Lập vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, “Bắc Nam sum họp” như di nguyện của Bác Hồ kính yêu. Hạnh phúc nào hơn khi chứng kiến nhân dân ta đã vượt qua thách thức ghê gớm nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng bom đạn, vật chất kỹ thuật khổng lồ; sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất trừ bom nguyên tử. Quân Mỹ vào miền Nam lúc cao nhất lên tới hơn nửa triệu cùng với một lực lượng lớn hải quân, không quân chiến lược, chiến thuật, 7 vạn rưỡi quân các nước theo Mỹ và hơn một triệu quân ngụy, đó là một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Mỹ đã thi thố mọi chiến lược, chiến thuật chính trị, quân sự, ngoại giao với những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nhất.

Phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, hiếu chiến nhất, song dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng, những kỳ tích vĩ đại. Việt Nam trở thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là nơi đọ sức điển hình giữa tiến bộ và phản động, giữa chính nghĩa và phi nghĩa trong cuộc đấu tranh của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nhưng để đến ngày thống nhất đó, những tổn thất, hy sinh, mất mát là vô cùng to lớn. Máu đào của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã đổ xuống. Hơn 9 ngàn nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ khắp dọc dài đất nước, từ phía Nam, ra Đông Trường Sơn, Quảng Trị đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ở Hà Nội, Đài tưởng niệm Khâm Thiên như chứng tích nhắc nhớ về những ký ức đau thương mà hào hùng đó!

Âm hưởng của Mùa xuân đại thắng hồi 46 năm trước đang bồi hồi tâm trí. Như chia sẻ của một “nhân chứng tháng Tư”- Thượng tướng, Viện sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Ngày hôm nay càng nhớ Bác Hồ vô vàn kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của Ðảng ta, dân tộc ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, tướng lĩnh, chỉ huy các Mặt trận, chiến trường, những người có nhiều công lao trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà ngày nay không còn nữa.

"Nhìn lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấy cần phải truyền đi thông điệp về giá trị của Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất. Phải thấy rằng, tổn thất xương máu cha anh cho Độc lập - Tự do - Hòa bình là một giá lớn đến nhường nào. Sự hy sinh, mất mát, tổn thất to lớn đó là của cả một dân tộc chứ không chỉ riêng một bên nào. Cũng chính vì thế, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về giá trị của đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc, sự đồng thuận để xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm