Thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2019-2020 tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười. Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN |
Do có vị trí địa chiến lược, thời trước, Mỹ - Ngụy đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn thường gọi là yếu khu Ngã Sáu, đồn trú 1 tiểu đoàn Bảo An với 250 lính, trang bị cả pháo hạng nặng nhằm khống chế căn cứ cách mạng nằm trong Đồng Tháp Mười. Từ ngày 11-13/3/1975, quân ta đã mở chiến dịch bao vây, tiêu diệt yếu khu Ngã Sáu. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trên đất Tiền Giang trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Chiến thắng Ngã Sáu – Bằng Lăng cùng các Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963), Chiến thắng Ba Rày (15/9/1967) oanh liệt đã làm nên những trang vàng son trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước trên quê hương Tiền Giang. 45 năm sau Chiến thắng Ngã Sáu – Bằng Lăng cũng là 45 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, xã Mỹ Trung, từ một địa bàn vùng Đồng Tháp Mười sâu xa nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang, đã vươn lên cùng sự nghiệp đổi mới đất nước, phát huy tiềm lực đất đai, lao động, ngành nghề, phá thế độc canh cây lúa để làm giàu cho nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung Dương Minh Phúc cho biết, Mỹ Trung có qui mô trên 2.400 ha đất tự nhiên, trong đó diện tích sản xuất trên 1.880 ha, 2.282 hộ với 8.354 nhân khẩu đang sinh sống. Là xã thuần nông, lại nằm sâu trong Đồng Tháp Mười, những năm đầu miền Nam mới hoàn toàn giải phóng, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đa phần hộ dân đều nghèo khó, thiếu trước hụt sau, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, thủy lợi thiếu và yếu, công thương nghiệp và dịch vụ gần như chưa có gì… Đến năm 2013, khi xã triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 14,11%, rất cao so với mặt bằng chung của huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng với truyền thống cách mạng hào hùng, hun đúc qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng quê hương, chính quyền và người dân Mỹ Trung đã đoàn kết một lòng, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giành thêm thắng lợi mới trên con đường đổi mới và hội nhập. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung, đối với địa phương nằm trong vùng Đồng Tháp Mười nhiều khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo nông thôn, an sinh xã hội kết hợp với phát động phong trào nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, hiến đất để làm đường, bắc cầu, hoàn thiện thủy lợi nội đồng kết hợp với phát triển giao thông, mở ra những cơ hội giao thương cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, của huyện, tỉnh và Trung ương chính là động lực để đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới sớm về đích. Xã quan tâm kiện toàn kiến thiết hạ tầng giao thông – thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hạt lúa hàng hóa. Bên cạnh đó, khuyến khích chuyển dịch sản xuất tại những địa bàn khó khăn theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa phù hợp chủ trương “chung sống với lũ”, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp – nông thôn đổi mới. Xã cũng phát triển những mô hình hợp tác xã kiểu mới trên lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và cánh đồng lớn đề đảm bảo đầu ra cho nông sản hàng hóa; đồng thời với xây dựng chợ nông thôn, mở mang thương mại – dịch vụ thu hút lao động việc làm… Đặc biệt, vai trò người dân – chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, luôn được phát huy thông qua phong trào hiến đất hoàn thiện kiến thiết hạ tầng tại địa phương hết sức sôi nổi. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Huê, ở ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ Trung, hiến 842 m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để phát triển giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia; ông Bùi Văn Chính, ngụ ấp Mỹ Hiệp, hiến 855 m2 đất làm đường bê tông ven kênh Nguyễn Văn Tiếp B; bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Mỹ Hòa, hiến 422 m2 đất làm đường kênh 6 Bằng Lăng…Toàn xã đã huy động được trên 77 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp trên 19,4 tỷ đồng, chiếm 25,18%. Nhờ đó, năm 2017, Mỹ Trung được công nhận xã nông thôn mới. Tháng 4/2020, 45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gần 3 năm sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn Mỹ Trung khoác lên mình màu áo mới, tươi vui, thịnh vượng. Đến Mỹ Trung hôm nay, bên cạnh những cánh đồng lúa bạt ngàn trải dài hút tầm mắt, nền nông nghiệp địa phương chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng đa dạng hóa cây trồng – vật nuôi, phát huy tốt tiềm lực đất đai, lao động trong thời kỳ mới. Địa phương cũng khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, thu hút lao động, việc làm, giúp người dân vùng căn cứ kháng chiến kiên trung một thời làm giàu nhanh. Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung Dương Minh Phúc chia sẻ, diện tích đất trồng lúa ba vụ/năm của xã giảm từ trên 1.880 ha xuống 1.545 ha, diện tích còn lại chuyển sang lập vườn trồng các cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, mít, xoài, ổi, chanh… Mỹ Trung có tổng đàn heo 16.000 con, đàn bò 120 con, đàn dê 220 con, đàn gia cầm 103.000 con, hàng trăm ha mặt nước khai thác nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Xã cũng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nguyễn Văn Thạnh, thu hút 520 thành viên và diện tích sản xuất trên 500 ha. Địa phương hiện có 13 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, 1 doanh nghiệp xay xát lương thực thực phẩm xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2017, Mỹ Trung tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, chú trọng hoàn thiện kiến thiết hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ cho người dân. Xã thực hiện phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo nâng cao thu nhập, giảm số hộ nghèo… mở ra hướng đi lên bền vững cho miền quê Đồng Tháp Mười gian khó một thời. Nhờ những nỗ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 2,1%. Với mục tiêu đó, năm 2020, Mỹ Trung đầu tư trên 1,2 tỷ đồng thi công các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống như công trình mở rộng và nâng cấp đường Kênh Chà; nạo vét kênh 500 kết hợp phát triển giao thông nông thôn các địa bàn vùng sâu, vùng xa trước đây, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày lễ lớn trong năm.
Minh Trí