Anh Hoàng Văn Hiền kiểm tra bộ sưu tập đồng bạc. |
Ký ức
Đồng bạc Đông Dương hay còn được gọi là đồng bạc trắng hoa xòe được thực dân Pháp phát hành và lưu thông tại các nước Đông Dương từ cách đây hơn 100 năm. Trong ký ức của nhiều người, thì đồng bào dân tộc là những người sở hữu nhiều bạc trắng hơn cả.
Cụ ông Mã Văn Tạch, thôn Đèo Hoa, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vẫn còn giữ lại được những đồng bạc cổ là của hồi môn từ những ngày ông mới lập gia đình. Những đồng bạc này được ông cất giữ cẩn thận. Cũng đã có nhiều người biết tiếng đến hỏi mua, nhưng ông không bán mà để lại cho con cháu, coi như của để dành. Ông Tạch nhớ lại, ngày trước, để cưới được vợ, bên nhà trai phải trả cho bên nhà gái ít nhất vài chục đồng bạc trắng mới đón được cô dâu về nhà. Nhà nào có con gái cả thì phía nhà trai phải đổi đến 100 - 120 đồng bạc trắng. Lý do, theo ông Tạch, người con gái cả là người đảm đang, tháo vát, hầu hết mọi chuyện trong nhà đều có thể giải quyết được nên quý hơn bạc.
Cụ ông Bàn Tiến Tình, thôn 20, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là người Dao ở xã Thúy Loa, huyện Na Hang (Tuyên Quang) di dân về. Vừa khoe với khách những đồng bạc trắng hiếm hoi còn lưu giữ được trong nhà, cụ vừa móm mém kể, trước đây, đồng bạc trắng được coi là đơn vị tiền tệ duy nhất của đồng bào dân tộc. Cụ Tình bảo, thực ra, người vùng cao ngày trước làm gì đã có văn hóa mua - bán mà dùng bạc với tính chất tiền tệ. Mọi hàng hóa ngày ấy hầu hết chỉ mang tính chất trao đổi, còn bạc trắng được coi là của quý để biếu, tặng, làm sính lễ, chia của hồi môn, chia phần cho người chết, chế tác ra những đồ dùng quý như trâm cài đầu, cúc bướm...
Trong ký ức của những người như cụ Tình, cụ Tạch, đồng bạc hoa xòe kỵ gió độc còn được dùng làm vật phòng thân. Vì thế, ai cũng muốn có được trong tay những đồng bạc trắng. Người giàu có thì dùng làm trang sức, khoe ra ngoài để tạo thế lực cho mình. Người nghèo thì kiếm lấy một vài đồng, cất kỹ để phòng khi cần dùng đến. Còn những gia đình quá nghèo thì cả đời chỉ được nhìn thấy, nghe thấy chứ đâu được làm chủ đồng bạc hoa xòe lấy một ngày!
Bộ sưu tập đồng bạc cổ của anh Hoàng Văn Hiền, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). |
Đến câu chuyện người sưu tầm…
Anh Hoàng Văn Hiền ở xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vốn là người Tày gốc Na Hang (Tuyên Quang). Từ bé anh đã được bà, mẹ kể nhiều về những đồng bạc hoa xòe, nhưng do nhà nghèo nên cũng chỉ biết những xu bạc lẻ 1 hào, 2 hào trong bộ xà tích ăn trầu của mẹ, của bà. Hiền bảo, có lẽ mình là con út, hay được tha thẩn chơi với mẹ, nên ký ức về những đồng bạc ám ảnh anh đến lúc lớn.
Một lần đi du lịch Sa Pa (Lào Cai), Hiền bỏ ra hơn 400 nghìn đồng để mua 1 đồng bạc sản xuất năm 1888. Hiền bảo, lúc mua được mình háo hức lắm, không nghĩ 1 đồng bạc nguyên chất, năm sản xuất lâu đời như thế lại mua được với giá “hời” như vậy. Về nhà, anh mang ra thợ chế tác bạc để nhờ kiểm tra mới ngã ngửa là bạc giả.
Sau lần đấy, Hiền để tâm nghiên cứu, tìm hiểu bạc thật, bạc giả qua chính những thợ chế tác và cả trên Internet. Hoàng Văn Hiền chia sẻ, khi mình để tâm nghiên cứu, mới biết có rất nhiều cách để phân biệt bạc thật - giả. Sẵn có đồng bạc giả, đi đâu Hiền cũng mang theo để so sánh. Đồng bạc thật có trọng lượng từ 27 gr -27,215 gr, còn bạc giả sẽ không đạt trọng lượng đó. Khi đặt đồng bạc lên ngón tay để thăng bằng dùng vật kim loại gõ nhẹ lên cạnh đồng bạc sẽ có âm thanh leng keng vang dài, trong khi xu bạc giả làm bằng đồng, kẽm, niken sẽ không có được âm thanh đó. Hoặc khi cho khò lửa đồng bạc đỏ rực rồi thả vào nước cho nguội, nếu là bạc thật sẽ không bị đổi màu, sáng màu bạc, còn nếu là bạc giả sẽ bị đổi màu đen hoặc vàng cháy. Một cách nữa là nhìn bằng mắt thường. Đồng bạc cổ có đường nét sắc nét hơn, trong khi đồng bạc giả đường nét kém sắc sảo hơn. Càng tìm hiểu, nghiên cứu, Hoàng Văn Hiền lại càng mong muốn được sưu tầm, lưu giữ những đồng bạc cổ, vì anh biết, những đồng bạc cổ dạng này một phần được các nhà sưu tầm nước ngoài tìm mua, một phần được dùng để chế tác trang sức nên ngày càng khan hiếm.
Để có thể tìm kiếm được những đồng bạc cổ nhất, hiếm nhất, Hoàng Văn Hiền lặn lội đến các xã vùng cao trong tỉnh và cả khu vực Bắc Mê, Đồng Văn (Hà Giang) để tìm mua lại, vì theo Hiền, đây là nơi mà trước đây bà con thường hay dùng bạc để đổi lấy hàng hóa, nên nguồn cung khá phong phú. Ngoài ra, anh liên hệ với đội thợ lặn tìm phế liệu dưới sông và anh em hút cát theo sông Gâm và sông Lô đoạn qua khu vực thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), bến Bình Ca (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) nơi ngày trước tàu bè thường hay bị đắm do chiến tranh. Thậm chí năm 2018, khi nghe thông tin ở Lào có lô bạc cổ, Hiền lặn lội sang tận nơi để tìm mua lại. Kết quả ngoài sức mong đợi, khi anh sưu tầm được những đồng bạc có niên hiệu 1885, 1886, những năm đầu tiên Pháp cho phát hành loại tiền tệ này.
Hoàng Văn Hiền hiện có trong tay hơn 30 đồng bạc trắng hoa xòe phát hành từ năm 1885 đến năm 1928. Với những người sưu tầm như Hoàng Văn Hiền, có những đồng bạc còn đắt hơn vàng nhiều lần do tính chất “hàng độc” của nó, như những đồng bạc phát hành năm 1890 và 1910 do 2 năm này Pháp phát hành số lượng quá ít, nên giờ rất khó kiếm. Để kết nối với những người có cùng sở thích, Hoàng Văn Hiền lập 1 kênh Youtube Đồng bạc Đông Dương. Anh hy vọng, qua kênh thông tin này, có thể liên kết được với những người có cùng sở thích, từ đó có thể trao đổi, tìm kiếm những đồng bạc hiếm mà mình chưa có.
Theo baotuyenquang.com.vn