Chị Nguyễn Thị Nội, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 21 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN |
Chị Nguyễn Thị Nội, năm nay 58 tuổi, ở thôn Bắc Ngàn, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, là một trong những gương điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Chị Nội cho biết, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, năm lên 3 tuổi, sau cơn sốt cao, chị bị liệt 2 chi dưới. Chị đã phải rất vất vả để theo học hết lớp 7. Ước mơ học tiếp của chị đã phải bỏ dở vì điều kiện kinh tế gia đình và việc đi lại khó khăn.
Sau khi thôi học, lết đôi chân bại liệt, chị làm mọi công việc phụ giúp gia đình, xoay sở nhiều việc để kiếm sống. Được sự giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tình thần của các anh, chị em trong gia đình và hàng xóm, chị đã có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Bằng việc buôn bán nhỏ lẻ, hiện nay mức thu nhập của chị mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, từ lâu chị đã không phải sống phụ thuộc vào người khác.
Năm 2016, chị Nguyễn Thị Nội tham gia công tác hội, hiện là Trưởng Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Đến nay, Hội đã phát triển được 53 hội viên. Trong những năm qua, Hội người khuyết tật xã Phú Linh đã có nhiều chương trình hoạt động thu hút được đông đảo người khuyết tật tham gia vào tổ chức Hội.
“Tham gia tổ chức hội, có nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào tại Hội Người khuyết tật xã Phú Linh, điều này đã thể hiện sự nỗ lực vươn lên của người khuyết tật. Chẳng hạn anh Lý Văn Công ở thôn Nà Cọn, tuy bị câm điếc nhưng đã nỗ lực vươn lên bằng nghề đóng thuyền máy; chị Trần Thị Hồng, ở thôn Nà Bắc bị khuyết tật vận động, nhưng đã tự mình phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng trọt; anh Hoàng Văn Hà ở Noong 1, có năng khiếu thổi sáo rất hay, anh được Hội Người khuyết tật của tỉnh tuyển chọn đi thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc” – chị Nguyễn Thị Nội chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Giang (Hà Giang) tham gia tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 21 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam . Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN |
Ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 2.573 hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Số người khuyết tật thực tế trên toàn tỉnh ước khoảng 15.000 người.
Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Giang được thành lập năm 2004. Hội thành lập “Câu lạc bộ Văn nghệ - Thể thao người khuyết tật”, “Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật”; phối hợp với các tổ chức để đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên...
Các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, cũng như việc tham gia vào tổ chức hội người khuyết tật chính là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thiết thực và hiệu quả để người khuyết tật vươn lên. Do đó, tới đây Hội sẽ tích cực vận động người khuyết tật tham gia vào Hội, ông An khẳng định.
Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hà Giang cũng cho biết, phần lớn người khuyết tật, đặc biệt là những người sống ở vùng miền núi như Hà Giang, trong đó có trẻ em và phụ nữ khuyết tật, đang gặp nhiều rào cản cản trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông... Họ còn gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập với đời sống xã hội. Nhiều người vẫn đang sống trong mặc cảm, tự ty và gặp những trở ngại không nhỏ trong cuộc sống.
Nguyễn Chiến