Tưởng như đã thất truyền nhưng ở thôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một nghệ nhân gần 70 tuổi làm gốm theo cách riêng của đồng bào Chu Ru. Làm gốm mà không dùng bàn xoay, không dùng lò nung mà chất củi đốt lộ thiên, để hình thành nên những chum, vại, ché, nồi, hay bộ ấm chén đất. Đó là nữ nghệ nhân dân gian Ma Ly.
Để tạo hình tròn, nữ nghệ nhân này phải đi vòng quanh khối đất nặn, chứ không dùng bàn xoay như những nơi khác. Ảnh: Chu Quốc Hùng –TTXVN
Đôi bàn tay tài hoa, khéo léo
Chứng kiến công đoạn làm gốm theo cách của người Chu Ru mới thấy sự khéo léo, bền bỉ nhưng vất vả của nghề. Đồ nghề của nghệ nhân dân gian Ma Ly chỉ là một miếng xốp phẳng bọc vải đặt trên chiếc ghế nhựa cao hơn 50cm. Do không sử dụng bàn xoay nên bà Ma Ly vừa ép 2 tay lên khối đất đang nặn, vừa di chuyển liên tục nhiều vòng xung quanh cái bàn đơn giản đó để tạo độ tròn cho sản phẩm. Trong sự kết hợp uyển chuyển điêu luyện, đôi bàn tay tài hoa của bà tạo ra hình dáng, hoa văn trên sản phẩm.
Trước đó, để có nguyên liệu, bà Ma Ly phải lấy đất đào từ trên núi về giã ra, dùng sàng tre lọc nhiều lần cho ra một loại bột mịn. Từ đó mới trộn với nước để tạo thành một thứ đất sét màu sữa, không được quá dẻo quánh như đất đóng gạch mà phải đủ độ vừa phải. Điều đặc biệt nhất là sản phẩm sau khi phơi khô sẽ đưa vào nung theo phương pháp chưa từng thấy. Bà Ma Ly xếp các sản phẩm ra giữa sân, sau đó chất củi xung quanh rồi châm lửa đốt. Cách nung này đòi hỏi sự cẩn trọng rất nhiều so với dùng lò nung. Đó là sản phẩm phải từ loại đất đặc biệt ít giãn nở vì nhiệt. Loại củi dùng để nung gốm phải được lấy trên núi cao, than có sức nóng bền bỉ, quan trọng là không có khói ám vào làm biến màu đồ gốm. Nhưng trước khi nung gốm, các sản phẩm phải được đảm bảo phơi khô ít nhất 2 tuần. Hậu quả của sự nôn nóng nhằm sớm cho ra lò các sản phẩm gốm là những đồ vật bị lỗi.
Khi được hỏi vì sao bà không sử dụng bàn xoay cho đỡ vất vả; sao không đắp lò nung để sản phẩm không bị vỡ nứt hay nhiễm bẩn? Nghệ nhân Ma Ly lắc đầu cười: Mấy cái đó không phải của dân tộc mình, mình không quen dùng! Cái lý của bà Ma Ly thoạt nghe có vẻ hơi bảo thủ. Nhưng chính “cái lý” đó mà hàng trăm năm qua, nghề gốm cổ vẫn tự hào tồn tại ở Krăng Gọ, trở thành sản phẩm đặc hữu của đồng bào Chu Ru mà rất khó nhầm lẫn với sản phẩm khác được sản xuất theo hình thức thương mại. Nhìn vào chất liệu, hoa văn, hình thức của sản phẩm gốm và cách sản xuất thì có thể nhận ra sự phát triển của văn hóa, nền văn minh được tiến triển qua các thời kỳ của tộc người Chu Ru trên miền đất Tây Nguyên.
Nghệ nhân Ma Ly kể lại, nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ở miền này có từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết từ khi 12 tuổi, bà đã được người cô trong gia đình dạy cho nghề làm gốm. Trong nghề này, quan trọng nhất là tìm được loại đất để khi nung mà không bị nứt vỡ và loại đất này chỉ có ở trên đỉnh núi Toom Uh xa thẳm. Thời bấy giờ, để lấy được loại đất đặc biệt trên đỉnh núi Toom Uh, những người phụ nữ Chu Ru lành nghề phải thức dậy từ rất sớm. Họ cẩn thận chuẩn bị các linh vật cần thiết đem tới địa điểm xin đất, thực hiện những nghi thức thần bí bắt buộc để Yàng (ông trời) chấp nhận cho lấy đất về.
Những phụ nữ cao tuổi bậc tổ của nghề dẫn đầu đoàn người đi xin đất lặng lẽ rời buôn từ nửa đêm hôm trước. Họ đi trật tự thành hàng, không được cười nói suốt cả quãng đường từ buôn Krăng Gọ tới đỉnh núi Toom Uh theo một nghi thức trang trọng. Tới nơi trời vẫn chưa sáng, sau Lễ gọi Yàng (ông trời), thần Đất, thần Núi về chứng kiến nghi thức xin đất truyền thống, những người phụ nữ nhiều kinh nghiệm bắt đầu cầm thuổng, xà beng, cẩn thận cạy đào từng mảng đất trên núi thiêng, bóc ra chọn lấy loại đất tốt nhất cho vào gùi.
Trong khi nữ giới thực hiện những đặc quyền trên, đàn ông chỉ được phép đứng ngoài quan sát. Họ được giao nhiệm vụ bảo vệ các nghi thức đang diễn ra và gùi đất thiêng về buôn khi mọi việc đã hoàn tất. Đây cũng chính là điều thể hiện quyền uy tối thượng, khẳng định vai trò trọng yếu của nữ giới trong chế độ mẫu hệ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Để nghề làm gốm không bị thất truyền
Xưa kia, Krăng Gọ là vùng sản xuất đồ gốm nổi tiếng bậc nhất khu vực Nam Tây Nguyên với hàng chục gia đình giữ nghề. Sản phẩm của bà con làm ra được đem đi nhiều nơi đổi lấy lúa gạo, trâu bò, dê, heo….Đồ gốm của người Chu Ru cư ngụ bên dòng sông Đa Nhim đã ra đời và mang trong mình sức sống bền bỉ suốt nhiều thế kỷ. Bởi vậy nên người Chu Ru ở miền Đơn Dương đã lấy nghề đặt tên cho buôn của mình là Krăng Gọ, nghĩa là buôn làm gốm. Sản phẩm gốm cổ Krăng Gọ phổ biến nhất là các loại dụng cụ cần thiết trong nhà như nồi để nấu, tô ăn cơm, ấm nấu nước… với độ bền và hình thức, mẫu mã ngày càng được cải tiến. Về sau, khi cuộc sống vùng khấm khá hơn, bà con nơi đây sản xuất thêm nhiều đồ vật dùng để trang trí trong nhà như bình cắm hoa, các loại tượng gốm…
Thế rồi, khi các làng nghề sản xuất gốm ở miền xuôi được hiện đại hóa, sản xuất với quy mô lớn, nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo thì buôn gốm cổ Krăng Gọ của đồng bào Chu Ru vùng P'Ró mai một. Những bàn tay truyền đời cần mẫn không còn đủ kiên nhẫn để sống chết với nghề. Rồi nghi thức cúng vái xin đất thiêng trên đỉnh Toom Uh lúc rạng sáng mùa khô cũng thưa dần. Buôn Krăng Gọ giờ chẳng còn mấy nóc nhà nổi lửa nung gốm bằng phương pháp lộ thiên truyền thống.
Nghệ nhân dân gian Ma Ly nhớ lại, ngày trước, nghề làm gốm có giá lắm. Mỗi cái nồi to làm ra đổi được 1 con heo. Bà cô là người truyền nghề cho bà Ma Ly khi mới 12 tuổi dặn rằng: con không bao giờ được bỏ nghề này. Làm ruộng, làm rẫy có khi mất mùa chứ làm gốm, chỉ một cái tô cũng đổi được 5 trái bắp để ăn. Vậy mà khi lấy chồng, bà cũng bỏ nhiều năm không làm. Sau khi làm nghề trở lại, vào những năm 2000-2010 có doanh nghiệp nước ngoài dưới Bình Dương thuê bà xuống làm cho họ với điều kiện phải giữ đúng cách làm truyền thống. Làm một thời gian nhớ nhà quá, lại đã cao tuổi nên bà đã xin nghỉ việc, về làm gốm tại nhà. Giờ làm nghề này cũng đỡ vất vả hơn làm rẫy, mà thu nhập cao hơn. Có vị Cha xứ nhà thờ gần buôn Krăng Gọ đã nhận hết sản phẩm bà làm ra để giới thiệu cho khách, mục đích để bà không được bỏ nghề này. Chính quyền địa phương cũng mở lớp dạy nghề làm gốm cho thanh niên thanh nữ trong vùng, nhờ bà Ma Ly đến dạy để nghề làm gốm của người Chu Ru không bị thất truyền.
Theo Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022- 2030. Trong đó nghề truyền thống làm gốm của người đồng bào dân tộc Chu Ru ở buôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró (huyện Đơn Dương) được đưa vào mục nghề truyền thống có nguy cơ mai một thất truyền, cần được giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Điều đó có nghĩa là thời gian tới đây, nghề làm gốm của người Chu Ru sẽ được chính quyền địa phương chú ý tạo điều kiện để lưu truyền và phát triển.
Chu Quốc Hùng
Tên gọi khác: Chơ Ru, Kru, Thượng.
Dân số: 19.314 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Polynêxia, (ngữ hệ Nam Ðảo), gần với tiếng Chăm. Có một bộ phận người Chu Ru sống gần với người Cơ Ho nên nói tiếng Cơ Ho (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me).
Lịch sử: Có lẽ xa xưa, tổ tiên người Chu Ru là một bộ phận trong khối cộng đồng Chăm; về sau, họ chuyển lên miền núi sống biệt lập với cộng đồng gốc nên thành người Chu Ru.
Hoạt động sản xuất: Người Chu Ru sống định cư, định canh trên cơ sở một truyền thống nông nghiệp từ lâu đời. Ruộng ở đây có hai loại: ruộng sình và ruộng khô. Việc làm thuỷ lợi bằng mương, phai, đê, đập được chú trọng. Vườn có trên rẫy và vườn ở gần nhà. Chăn nuôi có gia súc và gia cầm. Săn bắn, hái lượm và đánh cá là hoạt động thường xuyên. Nghề thủ công gia đình được phổ biến có đan lát, gốm thô
Ăn: Lương thực chính là gạo tẻ được nấu trong những nồi đất nung tự tạo. Lương thực phụ có ngô, khoai, sắn. Thức ăn có măng rừng, rau đậu, cá suối, chim thú săn bắn được. Thức uống có rượu cần và rượu cất. Nam nữ đều thích hút thuốc lá sợi bằng tẩu.
Mặc: Nghề dệt không phát triển nên những sản phẩm của y phục như: váy, áo, khố, mền, địu... có được đều do trao đổi với các tộc láng giềng như: Chăm, Cơ Ho, Raglai, Mạ...
Ở: Hiện tại, họ sống ở hai xã Ðơn và Loan thuộc huyện Ðơn Dương, một số khác ở huyện Ðức Trọng và Di Linh tỉnh Lâm Ðồng. Tại hai huyện An Sơn và Ðức Linh thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng có vài ngàn người Chu Ru sinh sống. Người Chu Ru ở nhà sàn làm bằng tre, gỗ, bương, mai, lợp bằng cỏ tranh. Họ cư trú theo đơn vị làng (plei) và những gia đình thân thuộc thường xây cất nhà cửa gần gũi nhau.
Phương tiện vận chuyển: Chiếc gùi nan cõng trên lưng vẫn là phương tiện vận chuyển được sử dụng thường xuyên cho mọi người.
Quan hệ xã hội: Quan hệ chủ đạo trong cơ cấu xã hội Chu Ru là gia đình mẫu hệ với vai trò được tôn vinh là người phụ nữ, người thừa kế của gia đình, dòng họ mẹ. Nếu nhìn vào bộ máy tự quản ở các làng thì ta thấy người đàn ông đang đứng mũi chịu sào trong mọi lĩnh vực để cho xã hội được vận hành theo định hướng của ông bà xưa. Thực ra, họ đã hành động theo ý chí của người vợ, người chủ nhân ngôi nhà mà họ đang cư ngụ theo tục cưới chồng. Xã hội đã có sự phân hoá giàu, nghèo nhưng không có sự xung đột giữa hai tầng lớp ấy trong làng.
Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong quan hệ lứa đôi. Việc "hỏi chồng" và "Cưới chồng" được thực hiện qua những thông tin ở việc trao tặng chàng trai chiếc nhẫn và chuỗi hạt cườm. Sau lễ cưới, người con gái phải ở dâu nửa tháng tại gia đình chồng để chờ lễ đón rể về nhà. Họ cư trú phía nhà gái.
Ma chay: Người Chu Ru theo tục thổ táng tại nghĩa địa chung của làng. Xưa kia, việc ma chay thường được tổ chức linh đình với lễ hiến sinh trâu bò.
Nhà mới: Việc dựng nhà mới được coi trọng với sự tập trung tâm lực của gia đình chủ và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng làng. Khi khánh thành nhà mới và dọn về ở nhà mới, họ hàng và cả làng quây quần giúp đỡ. Họ tổ chức tiệc mặn để cầu cúng thần linh, thụ lộc và chia vui cùng gia chủ.
Lễ tết: Một năm với chu kỳ canh tác ruộng nước, người Chu Ru có nhiều nghi lễ như: cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa khi gieo hạt, ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa thu hoạch. Ðáng lưu ý là lễ cúng thần bơnung vào tháng hai âm lịch, dân làng thường hiến sinh dê. Và lễ cúng Yang Wer, một cây đại thụ ở gần làng, được coi là nơi ngự trị của các thần linh. Người ta thường làm những hình nộm dã thú bằng gỗ hay củ chuối để đặt dưới gốc cây.
Lịch: Người Chu Ru theo lịch âm, tính tháng chu kỳ canh tác nông nghiệp của tổ tiên xưa.
Học: Trước kia, người Chu Ru không có chữ viết, mọi sự truyền đạt, thông tin đều qua truyền khẩu.
Văn nghệ: Vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú, phản ánh việc đề cao vai trò phụ nữ, ca ngợi chế độ gia đình mẫu hệ. Về nhạc cụ, đáng lưu ý là trống, kèn và chiêng. Ngoài ra còn một số nhạc cụ khác như: r’tông, kwao, terlia là những nhạc cụ đặc sắc của người Chu Ru. Trong hội hè, nhạc cổ truyền Chu Ru thường được cất lên cùng với vũ điệu tamga nổi tiếng.
Chơi: Sở thích của trẻ em là đánh cù, chơi thả diều (diều bướm và diều sáo). Chúng cũng hay chơi trò kéo co, đi cà kheo, đuổi bắt nhau...
Theo cema.gov.vn