Người giữ “báu vật” ở Mường Lò

Người giữ “báu vật” ở Mường Lò
Sinh ra và lớn lên ở Mường Lò, vùng đất phì nhiêu, trù phú của vùng Tây Bắc (nằm ở thị xã Nghĩa Lộ ), đắm mình trong cái nôi văn hoá của người Thái, lại có hơn 10 năm làm thầy giáo dạy học ở hầu hết các tỉnh Tây Bắc, ông Biến đã chứng kiến sự phai nhạt dần của văn hoá Thái giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Những cuốn sách chữ Thái cổ ghi chép về lịch sử, về luật tục, đạo lý làm người, những kinh nghiệm cuộc sống, sản xuất và cả về một nền văn hoá đặc sắc của người Thái trên khắp miền Tây Bắc cứ dần bị lãng quên. Còn ít người có thể đọc được chữ Thái cổ để hiểu, để lưu giữ và tiếp nối những vốn quý cha ông để lại. Điều này thôi thúc ông tìm cách để sưu tầm, lưu giữ lại những “báu vật” của người Thái. 
 
Ông Lò Văn Biến say mê kể những câu chuyện lịch sử của đất Mường Lò.
Ông Lò Văn Biến say mê kể những câu chuyện lịch sử của đất Mường Lò. 

Hiện trong ngôi nhà sàn của ông Biến đã có hơn một trăm đầu sách. Đó là: Quan xon côn (Đạo lý làm người), Quan tố mướng (Chuyện bản Mường), Táy puk xấc (Bước đường chinh chiến của cha ông) và Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu)… Đây là những tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học dân gian của người Thái, là hồn cốt, là những giá trị văn hoá được trao truyền qua hàng trăm năm của người Thái trên mảnh đất Mường Lò đã được ông biên dịch ra chữ quốc ngữ. 

“Rất ít dân tộc thiểu số ở Việt Nam có chữ viết. Chữ viết chính là công cụ để trao truyền văn hoá và bản thân nó cũng chính là một phần của văn hoá”, ông Biến chia sẻ. Chính vì vậy, năm 2006 lớp học chữ Thái cổ ra đời nhằm giữ lại thứ ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ thất truyền này. Ông cũng chính là người đứng lớp và biên soạn giáo án cho từng bài giảng. Sau những đúc rút từ thực tế, ông Biến cũng đã biên soạn thành công bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò. 

Đến nay, ông Biến đã cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ tổ chức 13 lớp dạy chữ Thái cổ cho gần 300 học sinh; thử nghiệm đưa chữ Thái cổ vào nghệ thuật thư pháp, hát đồng dao, câu đố... Chỉ có 2 lớp được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí, còn tất cả các lớp khác, ông Biến đều dạy miễn phí. 
 
Ông Lò Văn Biến với chiếc khèn bè, dụng cụ âm nhạc đặc trưng của người Thái.
Ông Lò Văn Biến với chiếc khèn bè, dụng cụ âm nhạc đặc trưng của người Thái.

Ngoài việc đứng lớp dạy chữ, mỗi khoá học, ông Biến đều chú trọng đào tạo một số học viên giỏi, có tâm huyết để có thể thay ông tiếp tục sự nghiệp gieo chữ sau này. Mười năm trôi qua, đến nay ông Biến đã có 4 “lứa” học trò. Ông Biến cho biết: Ông đã có 3 học trò giỏi có thể thay ông đứng lớp để hướng dẫn học viên học chữ Thái cổ. Ngoài những học trò Việt Nam, ông còn có cả học trò đến từ Nhật Bản, Thái Lan sang học. Họ học chữ Thái cổ, tìm hiểu văn hoá Thái và nhờ ông hướng dẫn, nghiên cứu sâu về những phong tục, luật tục độc đáo của người Thái, phục vụ cho các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Bây giờ, ở đất Mường Lò, ông là người duy nhất còn tinh thông chữ Thái cổ, am hiểu lịch sử, văn hoá của người Thái. 

Không chỉ truyền dạy chữ Thái cổ, ông Lò Văn Biến còn là người khôi phục thành công 6 điệu xoè cổ của người Thái ở vùng đất được coi là đất Thái tổ Mường Lò này. Ông Biến cho biết, xòe cổ của người Thái gồm có 6 điệu: Nhôm khăn (múa tung khăn), Ỏm lọm tốp mư (múa vòng tròn vỗ tay), Khắm khèn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu), Phá xí (bổ bốn), Đổn hồn (múa tiến, lùi, lộn) và điệu tất cả mọi người cùng nắm tay vào vòng lớn quanh đống lửa. Từ các điệu xòe cổ ấy, dần dần các thế hệ người Thái đã sáng tạo nên nhiều điệu xòe khác mô phỏng cuộc sống một cách sinh động như: Lấy nước, hái bông, dệt vải, bẫy thú…Và hiện nay t ất cả 36 điệu xòe nổi tiếng của người Thái đều được bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ đã trải qua hàng ngàn năm, được ông Biến khôi phục và hệ thống lại qua các tài liệu cổ. 

Năm 2015, múa xoè Thái ở Mường Lò được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Nghệ nhân ưu tú đầu tiên của tỉnh Yên Bái Lò Văn Biến được chọn là người đại diện lên đón bằng công nhận di sản bởi ông chính là người đã góp công sức không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ, truyền dạy các điệu múa xoè, những điệu múa đã làm nên nét văn hoá đặc trưng của người Thái. Ông cũng chính là người đã có công lớn trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa xoè ở Mường Lò trở thành di sản văn hoá được đông đảo mọi người biết đến và công nhận. 

Tỉnh Yên Bái hiện đang chủ trì cùng 3 tỉnh trong vùng Tây Bắc là Điện Biên, Sơn La và Lai Châu xây dựng hồ sơ xoè Thái để trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Biết được tin đó, ông Biến mừng lắm. Ông bảo, những giá trị văn hoá vô giá của người Thái đang ngày càng được nhiều người biết đến. Đó cũng chính là hi vọng để những “báu vật” văn hoá của người Thái nói chung, những điệu xoè của người Thái trên đất Mường Lò cũng như khắp vùng Tây Bắc này hoà quyện được vào trong nhịp sống hiện đại, để có thể được trao truyền mãi mãi. 

Khi việc truyền dạy chữ Thái cổ, việc khôi phục và phát triển những điệu xoè của người Thái bước đầu đã có kết quả, ông Biến lại tiếp tục tất bật với việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ về lễ hội Hạn Khuống, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái đồng bào dân tộc Thái thường tổ chức hát đối đáp giao duyên. Đề tài này đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Yên Bái đánh giá cao và yêu cầu hoàn thiện để gửi hồ sơ lên Trung ương đề nghị xét duyệt, công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. 

Đã bước qua cả ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, ông Biến vẫn cứ say mê với văn hoá Thái. Đôi mắt không còn tinh nhanh như trước, những bước chân cũng đã chậm hơn nhiều, nhưng tình yêu đối với văn hóa Thái trong ông chưa bao giờ vơi cạn. Tình yêu ấy sẽ tiếp tục được ông trao truyền cho thế hệ trẻ để những giá trị văn hoá của người Thái sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm