Nhiều năm qua, đại diện 49 hộ dân tại bản Cứp, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã có kiến nghị về việc chính quyền địa phương tự ý thu hồi hơn 5.300 m2 đất lúa 2 vụ của bà con, chuyển thành đất công ích của xã, sau đó sử dụng sai mục đích. Các cơ quan chức năng của huyện Mai Sơn đã tổ chức nhiều cuộc làm việc nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Vướng mắc trong thu hồi đất
Từ năm 1989, sau khi chia tách Hợp tác xã bản Cứp - Vựt, khu đất rộng khoảng 6.200 m2 được nhân dân bản Cứp quản lý và sử dụng. Đến năm 1999, diện tích đất này được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng dất cho 49 hộ dân bản Cứp và 1 hộ dân bản Vựt. Việc giao đất thực hiện theo Chỉ thị 10/1998/CT-TTg của Chính phủ về đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Lệ phí để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 50 nghìn đồng/hộ. Tuy nhiên, chỉ có 4/50 hộ nộp tiền lệ phí và nhận giấy chứng nhận; các hộ còn lại chưa lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do chưa có tiền để nộp. Diện tích đất này tiếp tục được các hộ gia đình sử dụng ổn định đến niên vụ năm 2003-2004.
Sự việc trở nên phức tạp khi năm 2004, UBND xã Chiềng Mai thống nhất đưa diện tích đất ruộng của 50 hộ dân này làm quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích đất công ích (hay còn gọi là đất 5%) để quy hoạch, xây dựng Chợ trung tâm xã Chiềng Mai. Tuy nhiên, nhiều người dân phản đối việc này.
Ông Cầm Văn Nơi, Trưởng bản Cứp (giai đoạn 1992-2022) cho hay, do trước đó bản đã trích hơn 2.300 m2 đất ruộng 2 vụ cho xã nên nhiều hộ dân không đồng tình việc xã tiếp tục lấy đất do diện tích đất để canh tác của bản ít, số nhân khẩu thì ngày càng tăng lên.
Mặc dù vậy, chính quyền địa phương vẫn thực hiện việc thu hồi đất. Theo kết luận thanh tra của UBND huyện Mai Sơn, sau khi thông báo tới người dân, UBND xã Chiềng Mai đã giao nộp lại hồ sơ giao đất, sổ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ cho cơ quan chuyên môn của huyện Mai Sơn để điều chỉnh lại. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn của huyện Mai Sơn chưa phối hợp với UBND xã Chiềng Mai lập hồ sơ, thực hiện trình tự thu hồi đất; không tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp mà thực hiện gạch ngang phần thông tin của 46/50 thửa đất; đồng thời, sửa và đóng dấu UBND huyện trùm lên phần tổng diện tích đất bị chỉnh sửa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân, sau đó trả lại giấy chứng nhận cho các hộ.
Cũng tại thời điểm này, có 4/50 hộ dân đã nộp lệ phí 50 nghìn đồng nên không bị gạch bỏ phần diện tích đất này, song đến nay một số hộ cũng không biết vị trí diện tích đất đã được cấp.
Năm 2017, sau khi được tư vấn pháp lý, đại diện 49 hộ dân bản Cứp đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét về giải quyết việc thu hồi đất trái pháp luật của UBND xã Chiềng Mai; yêu cầu bồi thường thiệt hại trong 18 năm không được canh tác của 49 hộ dân, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.
Bà Lường Thị Phượng, Phó trưởng bản Cứp cho biết: Từ 49 hộ dân, đến nay bản có 100 hộ dân, đất sản xuất ít nên đời sống rất khó khăn. Người dân mong muốn được trả lại đất, đồng thời bồi thường hoa màu trong thời gian không được canh tác.
Cần tháo gỡ vướng mắc về chính sách bồi thường cho các hộ dân
Theo báo cáo của huyện Mai Sơn, sau khi thu hồi khoảng 6.200 m2 đất của 49 hộ dân bản Cứp và 1 hộ dân bản Vựt, UBND xã Chiềng Mai đã chuyển đổi khoảng 3.300 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Năm 2010, UBND xã Chiềng Mai đã bán hơn 300 m2 đất cho một thôn trong xã là tiểu khu Ngã Ba với số tiền 40 triệu đồng.
Cũng trên diện tích đất khoảng 3.300 m2 đã chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, UBND xã Chiềng Mai xây dựng chợ, với diện tích 160 m2 và một số hạng mục phụ trợ. Tuy nhiên, do khiếu kiện của người dân bản Cứp nên công trình buộc phải đóng cửa, hiện nay trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt.
Ông Nguyễn Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mai cho biết, giai đoạn 2017-2018, xã quy hoạch xây dựng chợ trên khu đất này để người dân có nơi mua bán thuận lợi, tránh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Từ nguồn kinh phí kết dư và hỗ trợ của huyện, xã đã xây dựng chợ nhưng sau đó người dân bản Cứp đã rào khu chợ lại, không cho hoạt động nữa.
Trước kiến nghị của người dân, năm 2020, UBND huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn thanh tra về việc UBND xã Chiềng Mai đưa đất ruộng của 49 hộ dân bản Cứp vào quỹ đất 5% sau đó quy hoạch, xây dựng Chợ trung tâm xã.
Theo kết luận thanh tra, tập thể UBND xã Chiềng Mai nhiệm kỳ 2004-2011 chịu trách nhiệm về các hạn chế, sai phạm trong việc đưa diện tích đất ruộng của 49 hộ dân bản Cứp vào quỹ đất 5% sau đó quy hoạch và triển khai xây dựng Chợ trung tâm xã Chiềng Mai và một số công trình khác. UBND xã Chiềng Mai đã thực hiện việc chỉnh lý biến động đất đai trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ sai quy định. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ sai phạm của các cá nhân liên quan; thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra huyện 40 triệu đồng do UBND xã Chiềng Mai bán đất trái phép cho tiểu khu Ngã Ba.
Hiện nay, UBND huyện Mai Sơn đang triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Chiềng Mai để thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc là chưa có cơ chế hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân trong thời gian 18 năm không được canh tác, sản xuất.
Ông Phạm Duy Hùng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết: Huyện đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án giải quyết đề nghị đền bù trong 18 năm không được sản xuất của người dân. Theo đó, dự kiến tính tổng sản lượng lúa trên cơ sở cộng dồn từng năm rồi nhân với giá giống, vật tư, nhân công tại thời điểm hiện nay. Các định mức, chi phí tính theo Quyết định số 726/QĐ-BNN-KN ngày 24/2/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông Trung ương. Tuy nhiên, khi huyện Mai Sơn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La hướng dẫn cụ thể, thì nhận được văn bản trả lời với nội dung: đối với công lao động hiện nay chưa có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể cho công lao động cho sản xuất cây lúa vụ Xuân và vụ Mùa. Do đó, huyện không có đủ căn cứ để triển khai các bước tiếp theo. Vì vậy, huyện đang tiếp tục đề nghị các sở, ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục pháp lý để hỗ trợ người dân. Khi có các văn bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan, huyện sẽ tiến hành thực hiện quy trình hỗ trợ, bồi thường cho người dân.
Hữu Quyết