Bà Lý Mùi Nhậy, người có uy tín của xóm Thôm Sẳn, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tích cực vận động các hộ dân xây dựng các mô hình trồng cây thanh long để phát triển kinh tế. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, đời sống đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, còn trên 27%. Thời gian qua, gần 2.500 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, giúp họ hình thành ý thức đại đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới... Là những người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cùng kinh nghiệm thực tế, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời nhiều vụ việc như: mâu thuẫn gia đình, các vụ khiếu kiện, hoạt động tôn giáo trái pháp luật...Anh Đặng Vần Luồng, xóm Lũng Kèng, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình được bầu là người có uy tín từ năm 2015. Do hiểu được phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, sau khi chính quyền có các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế cũng như xây dựng đường giao thông nông thôn, anh Luồng đã tích cực vận động nhân dân trong xóm hiến đất làm đường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Giờ đây, người dân địa phương đã biết trồng thêm cây lạc, tương, nuôi thêm trâu, bò, dê... để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Anh Luồng cho biết, xóm Lũng Kẻng có 98 hộ, 100% là người Dao. Để vận động người dân nghe theo, trước tiên bản thân anh phải gương mẫu thực hiện và hơn hết là cần đặt lợi ích của đồng bào lên hàng đầu. Nhờ sự vận động tích cực của những người uy tín trong xóm, diện mạo nông thôn xóm Lũng Kèng, xã Thái Học đã có nhiều khởi sắc. Giờ đây, trẻ con đã được chạy nhảy, nô đùa trên con đường bê tông sạch sẽ. Trên triền núi đá, màu xanh của ngô, lạc bao trùm, hứa hẹn một mùa màng bội thu... Cũng giống như anh Luồng, bà Lý Mùi Nhậy, xóm Thôm Sẳn, thị trấn Nguyên Bình là người uy tín được nhân dân địa phương tin tưởng. Từ khi được bầu là người có uy tín, bà Nhậy đã tích cực vận động các hộ hiến đất làm đường. Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trong xóm đã đóng góp kinh phí trên 100 triệu đồng, hơn 600 ngày công để làm gần 2 km đường bê tông thôn xóm và xây dựng một cây cầu qua suối dài 5m. Ngoài ra, bà Nhậy rất tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như nuôi lợn đen, trồng cây thông, trồng thanh long… Người dân đã sử dụng giống ngô, lúa mới có năng suất cao (trên 50% diện tích) vào canh tác. Hàng năm diện tích trồng ngô ruộng, ngô hè thu đều tăng từ 10 - 12 ha. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xóm Thôm Sẳn đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Số gia đình có phương tiện nghe nhìn đạt 95%; tỷ lệ trẻ em đến độ tuổi đi học đạt 100%; số hộ gia đình văn hóa đạt 100%... Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chính sách quan tâm, động viên người có uy tín như hỗ trợ kinh phí, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết cổ truyền dân tộc. Năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã chọn cử trên 100 lượt đại biểu người có uy tín tiêu biểu tham dự các hội nghị biểu dương do Trung ương tổ chức; tổ chức 23 hội nghị biểu dương, gặp mặt người có uy tín tiêu biểu. Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã vận động, hiệp thương dân chủ, giới thiệu 300 cá nhân tiêu biểu có uy tín đại diện các thành phần dân tộc tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng với đó là giới thiệu, vận động 2.026 người có uy tín tham gia làm thành viên Ủy ban MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019 -2024. Bà Đặng Thị Duyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cho biết, để tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, MTTQ tỉnh đề ra những giải pháp như: Thường xuyên có các cuộc gặp mặt, giao lưu với đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, thông qua đó truyền đạt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương đến với người dân nhanh, hiệu quả. Ðây cũng là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt kịp thời khó khăn, bức xúc ở cơ sở để có giải pháp tháo gỡ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân... Ngoài ra tiếp tục bồi dưỡng, phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín; phân định cấp độ quản lý, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả.
Chu Hiệu