Nghiên cứu về tộc người với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Quỹ Đổi mới sáng tạo VinGroup tổ chức Hội thảo "Tộc người với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo Việt Nam".

Nghiên cứu về tộc người với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo ảnh 1Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cho biết, do nằm ở vị trí kết nối các lục địa và giao thương trọng yếu nên Việt Nam có sự đa dạng về nhân chủng học và thành phần tộc người. Văn hóa biển Việt Nam đa dạng, có sự giao lưu, tương đồng với văn hóa biển Đông Nam Á và các nền văn minh, văn hóa trên thế giới. Với thành phần cư dân đa dạng, sống trong môi trường biển nhiều đổi thay, rủi ro nên đời sống văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng của cư dân ven biển cũng rất phong phú, đa nguồn gốc. Quan hệ tộc người trong nội vùng, liên vùng, liên biên giới của cư dân vùng ven biển và hải đảo tạo nên mạng lưới đa dạng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các nghiên cứu về lịch sử và dân tộc học cho thấy chủ thể văn hóa biển đảo Việt Nam là cộng đồng các dân tộc trên dải đất Việt Nam ở cả trên đất liền và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam trong lịch sử mấy nghìn năm. Do nhiều yếu tố tác động trong quá trình phát triển, hiện tượng sống xen cư đã trở nên phổ biến. Do đó, khi nghiên cứu các vấn đề tộc người liên quan đến biển thì không chỉ nghiên cứu cư dân ven biển mà còn phải nghiên cứu mối quan hệ kinh tế - xã hội của họ với các tộc người khác, kể cả những tộc người hiện tại không sống gần biển.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh đánh giá, vài thập kỷ qua, xét trong lĩnh vực khoa học xã hội, đã có sự quan tâm về biển đảo của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành như: Sử học, khảo cổ học, văn hóa học, dân tộc học, quan hệ quốc tế... Tuy nhiên, việc tham gia của các nhà dân tộc học, nhân học còn rất hạn chế. Chính vì vậy, Hội thảo góp phần xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề tộc người với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, trong đó trọng tâm là đánh giá thực trạng và vai trò của tộc người trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển và hải đảo.

Theo Tiến sỹ Trần Minh Hằng, Chủ nhiệm đề tài "Một số vấn đề dân tộc, tôn giáo trong phát triển của cộng đồng cư dân ven biển và hải đảo Việt Nam", trong những năm qua, nhiều nghiên cứu về biển đảo dưới góc độ kinh tế học, sử học, khảo cổ học, văn hóa học, du lịch, quan hệ quốc tế... được thực hiện, song các nghiên cứu về dân tộc học còn ít. Sự hạn chế nghiên cứu về biển đảo của ngành dân tộc học ở Việt Nam chủ yếu là do có những nhiệm vụ cấp bách khác ở vùng đồng bằng, miền núi và biên giới trên đất liền. Để bước đầu bổ khuyết cho những hạn chế nêu trên, các nhà khoa học đã góp phần xác định vai trò, vị thế của các tộc người ở vùng biển đảo hay gắn với biển đảo trong lịch sử và bối cảnh hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận những vấn đề về: Nghiên cứu về tộc người khu vực ven biển và hải đảo Việt Nam: lịch sử hình thành; tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo Việt Nam; Quản trị rủi ro của ngư dân Việt Nam trong thời đại số và biến đổi khí hậu...Các đại biểu khuyến nghị những giải pháp và chính sách phù hợp; gợi ý những vấn đề, định hướng nghiên cứu về tộc người nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo Việt Nam.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm