Những ngày qua, nắng nóng tiếp tục kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra diện rộng, nguồn nước phục vụ sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre trở nên khan hiếm, quý giá. Chính quyền địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt của người dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay mang nguồn nước ngọt về giúp đỡ bà con.
Có mặt tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại vào một ngày "nắng như đổ lửa", chiếc sà lan mang theo 400 m3 nước ngọt, do chị Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ homestay Út Trinh vận động cập bến trong niềm vui khôn xiết của đông đảo người dân. Từ sáng sớm, bà con tấp nập mang can nhựa, thùng đến lấy nước ngọt trong niềm vui mừng, phấn khởi vì có nguồn nước ngọt sử dụng.
Anh Nguyễn Thanh Hiếu, ngụ ấp 3, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại chia sẻ, từ tháng 10, 11/2023, bà con chủ động tích trữ nước mưa, nước ngọt đảm bảo sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, năm nay, hạn mặn kéo dài nên nguồn nước ngọt dù đã được tích trữ trong ao, bồn quanh nhà và sử dụng "chắt chiu" nhưng cũng không đủ.
Khệ nệ nâng ba can nhựa chứa đầy nước chở về nhà, anh Nguyễn Thanh Hiếu bày tỏ, thật sự giữa mùa khô hạn, những giọt nước ngọt do các nhà hảo tâm chở về tận nơi như thế này trở nên quý giá, ví như "máu chảy về tim". Hiện nước ngọt chỉ được dùng nấu cơm, canh, thậm chí nước vo gạo cũng được giữ lại để tưới rau, cây kiểng trước nhà hoặc cho vật nuôi uống chứ không bỏ phí giọt nào.
Trong tình hình hạn mặn đang diễn biến phức tạp, để hỗ trợ người dân có thêm nước ngọt sinh hoạt, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre đang tích cực phối hợp các đơn vị chức năng dùng xe chuyên dụng mang nước ngọt đến người dân vùng bị nhiễm mặn trên địa bàn tỉnh.
Thượng úy Cao Anh Khoa, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre cho biết, khi nhận được thông tin hỗ trợ nước từ nhà tài trợ, Ban Thanh niên liên hệ để xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của nước, địa điểm cung cấp nước nhằm đảm bảo chất lượng. Sau đó, Ban Thanh niên tham mưu lãnh đạo đơn vị triển khai kế hoạch thực hiện, đồng thời phối hợp tổ chức thông báo cho người dân thời gian, vị trí cung cấp nước, phân công lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ bà con tại điểm triển khai.
Dự kiến, khoảng 1.000 m3 nước ngọt sẽ do cán bộ, đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh vận chuyển đến các địa bàn tại tỉnh Bến Tre. Riêng trong ngày ra quân 11/4, Ban Thanh niên Công an tỉnh đã cấp gần 70 m3 nước cho người dân hai xã Bình Thắng và Lộc Thuận (huyện Bình Đại).
Nhằm chia sẻ khó khăn với nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã ký ban hành chủ trương giảm giá nước sạch sinh hoạt trong mùa hạn mặn.
Theo đó, khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý, vận hành và khai thác bị ảnh hưởng do diễn biến hạn mặn 2023 - 2024 được giảm 10% giá tiêu thụ nước sạch cho tất cả mục đích sử dụng nước. Giá giảm trên bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa có phí bảo vệ môi trường. Thời gian thực hiện là 2 kỳ hóa đơn tiền nước, kỳ 4/2024 và kỳ 5/2024 (giảm giá cho m3 nước sử dụng trong tháng 3/2024 và tháng 4/2024).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 67 công trình cấp nước tập trung (nhà máy nước) với tổng công suất khoảng 10.500 m3/giờ, tương đương 250.000 m3/ngày, đêm. Trong đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý 5 nhà máy cấp nước; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý 32 nhà máy cấp nước; các nhà máy nước còn lại do các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh quản lý. Do nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền tỉnh Bến Tre nên hiện trên địa bàn có 46 nhà máy cấp nước có độ mặn từ 1 - 3‰. Các nhà máy này cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 235.150/400.000 hộ dân.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024. Các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp.
Hiện nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền tỉnh Bến Tre khoảng 70 km. Trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Tân An Thị (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành), cách cửa sông 50 km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Phú Định (xã Phú Đức, huyện Châu Thành), cách cửa sông 66 km.
Trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Khánh Hội Đông (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) và ấp Lân Bắc (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 62,4 km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) và ấp Hưng Nhơn (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 73 km.
Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Khánh Thạnh (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 48,4 km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Thanh Yên (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 61 km.
Chương Đài