Cuộc đời ông Hoan gắn bó với Biển Hồ mấy chục năm nay. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN. |
Ông Hoan là người làng Liêm Trung, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Năm 1965, khi đang là học sinh, vì lòng yêu nước, ông xung phong đi đánh giặc. Sau đó, được tổ chức phân công sang Tà Khống (Lào). Năm 1968, trong trận tổng tiến công Tết Mậu Thân đánh về thành phố Pleiku, ông bị thương tại xã Biển Hồ. Đứng trước tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát (trong khuôn viên khu di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ ngày nay) ông hứa nếu sau khi đất nước giải phóng và còn sống ông sẽ quay về Biển Hồ, tỉnh Gia Lai dốc tâm làm việc thiện. Sau giải phóng, ông quay về Gia Lai như đã hứa. Từ đó đến nay, ông không ngừng thực hiện những nghĩa cử cao đẹp giúp đời. Biển Hồ là hồ nước ngọt rộng và sâu, nhiều người tìm đến đây trầm mình để chối bỏ cuộc đời. Không ai dám trục vớt những cái xác đó vì sợ, ông Hoan lặng lẽ vớt họ lên bờ giao cho gia đình lo hậu sự. Trước cổng và cửa nhà ông đều treo bảng ghi số điện thoại, khi cần, người dân có thể gọi cho ông ngay để hỗ trợ cứu vớt người đuối nước.
Chiếc thuyền ông Hoan thường dùng đi tuần tra Biển Hồ hằng ngày. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN. |
Ông Nguyễn Xuân Ánh, người trông coi tượng Phật trong khuôn viên Biển Hồ cho biết: Ông Hoan không ngại mưa nắng, đêm tối hay bất cứ lúc nào có việc ông sẵn sàng cứu vớt người. Tuổi cao, sức yếu hơn xưa nhưng ông vẫn miệt mài làm công việc ít ai dám bằng cả tấm lòng. Đến nay, ông đã cứu sống 7 người gặp nạn, hỗ trợ vớt được gần 100 thi thể tại Biển Hồ. Một số người mặc dù đã huy động lực lượng tìm kiếm nhưng không có kết quả, ông già Biển Hồ sẵn sàng lặn tìm cho bằng được. Sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân, người thân của họ ít nhiều cũng hỗ trợ ông một khoản tiền. Gia đình khó khăn, ông Hoan không lấy nhưng nhiều gia đình vẫn gửi. Ông Hoan gom góp số tiền ấy mua gạo, quần áo, thực phẩm đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn tỉnh làm từ thiện. Năm nay ông đã gần 80 tuổi, râu tóc bạc phơ. Ông không nhớ mình đã làm từ thiện ở bao nhiêu buôn làng trên địa bàn tỉnh. Hiện ông có 300 người nhận là “cha nuôi” từ khắp mọi miền Tổ quốc, thông qua ông gửi hàng từ thiện về Gia Lai, rồi nhờ ông mang đến các buôn làng dân tộc thiểu số khó khăn hỗ trợ nhân dân.
Mỗi buổi chiều, ông thường đi bộ tại một góc Biển Hồ như người lính tuần tra biên giới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Ông Siu Qíu, làng Bàng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, cho biết: Hàng chục năm nay, ông Hoan luôn giữ tình cảm với người dân làng Bàng, ông thường xuyên xuống hỗ trợ gạo, thức ăn, bánh kẹo, quần áo. Người dân trong làng ai cũng quý mến ông Hoan. Còn ông Siu Kép, làng Bàng, xã Ia Mơ Nông cho biết thêm: Trước đây, ông Hoan là bạn cùng chiến đấu với ông. Ông thường hướng dẫn người dân trồng lúa, mì, cà phê trên rẫy để ổn định cuộc sống. Khi các đối tượng Fulro thường xuyên dụ dỗ, lôi kéo người dân vượt biên, chống phá cách mạng, ông Hoan đã tuyên truyền người dân không nghe theo kẻ xấu. Ông Hoan còn khai hoang diện tích đất trên núi vừa để theo dõi Fulro, vừa giúp người dân sản xuất. Người dân làng Bàng, xã Ia Mơ Nông đã đặt tên ngọn núi ngày xưa ông khai hoang giúp họ làm kinh tế là ngọn Chư Hoan (núi Hoan) để tưởng nhớ những đóng góp của ông. Không muốn ảnh hưởng đến gia đình, khi các con đã yên bề gia thất, ông lặng lẽ dựng một căn nhà gần sát mép Biển Hồ để tiện thực hiện những công việc thầm lặng theo đúng tâm nguyện của mình. Hằng ngày, ông Hoan thường dạo quanh một góc Biển Hồ như người lính đi tuần tra biên giới, trong lòng luôn cầu mong mọi người đừng vì suy nghĩ nông cạn mà tự kết liễu đời mình. Trong buổi chiều tà, ngồi trên chiếc thuyền ông thường chèo đi tuần tra Biển Hồ, ông trầm ngâm: “Tôi làm việc thiện để tâm bình an, không mong đền đáp, có chăng là mong sự bình yên đến với mọi người”.
Hồng Điệp