Nghi lễ cướp cầu làng Diềm Bắc Ninh

Ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm, tại làng Viêm Xá (làng Diềm), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, lễ hội làng Diềm lại được tổ chức để tưởng nhớ Đức Vua Bà, Thủy tổ khởi sinh ra quan họ. Trong lễ hội, nghi lễ cướp cầu để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, thuận lợi trong sản xuất được bà con gìn giữ và trở thành phong tục đẹp trong lễ hồi đầu xuân của làng.

Lễ hội làng Diềm diễn ra với hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ được khởi đầu bằng màn chạy cờ, tiếp theo là biểu diễn trống hội, tại đó sẽ tái hiện sự tích Vua Bà, người được coi là Thủy tổ dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ phát lệnh mở hội xuân với màn tung cầu và cướp cầu.

1.JPG
Lễ hội làng Diềm được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Đức Vua Bà, Thủy tổ khởi sinh quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Phương Anh

Quả cầu được làm bằng gỗ, mang biểu tượng của mặt trời, tượng trưng cho sự sống và sinh sôi nảy nở của thiên nhiên. Tham gia cướp cầu là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh của làng được chia làm 2 bên: bên Đông và bên Tây, sẵn sàng tham gia vào cuộc cướp cầu hào hứng và quyết liệt với hy vọng mang về sự bình an và thịnh vượng cho cả làng trong năm mới.

4.JPG
Tham gia nghi lễ cướp cầu là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh chia làm hai đội. Ảnh: Phương Anh

Khi tham gia cướp cầu, các trai làng sẽ phải đóng khố với màu sắc và ý nghĩa riêng, một bên đóng khố màu xanh và một bên đóng khố màu đỏ. Khố màu xanh tượng trưng cho mệnh dương, khố màu đỏ tượng trưng cho mệnh âm.

9.JPG
Quả cầu được làm bằng gỗ, mang biểu tượng của mặt trời. Ảnh: Phương Anh

Cướp cầu (hay còn gọi là cầu đảo) là cướp nhiều khí dương về, tượng trưng cho ánh sáng và sức sống của vạn vật. Điều này được coi là một điều may mắn và mang lại sự thịnh vượng cho dân làng, để mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi và phồn thịnh.

7.JPG
8.JPG
11.JPG
Thanh niên hai đội cố gắng giành chiến thắng trong trò cướp cầu để xem như đem lại điều may mắn. Ảnh: Phương Anh

Theo truyền thống từ lâu đời, giáp Đông phải thắng giáp Tây với tỉ số cướp cầu là 2-1. Vì khí dương là biểu tượng cho sự thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Việc giáp Đông giành chiến thắng được xem như một điều may mắn. Có như vậy, dân làng mới “thuận buồm xuôi gió”.

13.JPG
15.JPG
Kết thúc nghi lễ, vật cổ sẽ được dâng cúng lên đền Vua Bà. Ảnh: Phương Anh

Kết thúc nghi lễ cướp cầu, vật cổ sẽ được dâng lên đền Vua Bà. Đây là một phần quan trọng của nghi lễ, là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần linh của làng.

16.JPG
Theo tương truyền, Vua Bà là con gái vua Hùng vương thứ V có công dạy dân làng Viêm Xá cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía, kéo mật… Bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú dân ca Quan họ mượt mà đằm thắm. Khi mất, bà được nhân dân lập đền thờ. Ảnh: Phương Anh

Trong tâm thức của người dân làng Diềm (Viêm Xá), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, đền Vua Bà nơi thờ Thủy tổ Quan họ là chốn linh thiêng luôn che chở bảo vệ dân làng. Lễ hội làng Diềm được tổ chức hằng năm nhằm thể hiện sự tôn kính các bậc tiền nhân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc của dân ca quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phương Anh

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm