Phụ nữ K’Ho bán thổ cẩm trên đỉnh núi Langbiang |
Đóng cửa xưởng sản xuất
Thấy nhóm du khách xuất hiện, bà Ka Neo (53 tuổi), ngụ dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương lỉnh kỉnh đeo ít đồ thổ cẩm lên vai chạy tới mời chào du khách “mời mua ủng hộ”. Với hàng chục năm mưu sinh trên đỉnh núi cao 2.167m so với mặt nước biển đã tạo cho bà Ka Neo những kỹ năng bán hàng mà không phải ai cũng làm được. Trên đỉnh núi Langbiang quanh năm gió thổi lồng lộng, ngày nay những người Cil sinh sống bằng nghề bán thổ cẩm không nhiều. Quá nửa đã “giải nghệ” vì không còn đủ kiên nhẫn để trụ lại với nghề truyền thống vốn một thời hoàng kim, là niềm tự hào của đồng bào Cil. Dưới chân núi Langbiang, buôn Bnơ C một thời vốn tấp nập du khách ra vào mua bán thổ cẩm, người người, nhà nhà làm nghề thổ cẩm. Đã có không ít người trở thành nghệ nhân thổ cẩm và giàu có trông thấy. Buôn đã được tỉnh công nhận là làng nghề thổ cẩm truyền thống và còn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất thổ cẩm kiên cố, tọa lạc ngay giữa buôn. Thế nhưng, suốt mấy năm qua, xưởng này bị bỏ hoang, Bnơ C giờ vắng tanh, các khung cửi dệt thổ cẩm đã bị phá bỏ, chỉ còn vài gia đình nguyện gắn bó vì không còn sức khỏe để đi làm những nghề khác.
Ở Bnơ C, nghệ nhân Ka Tuyn là người nổi tiếng vì tay nghề dệt thổ cẩm đạt đến mức độ tinh xảo cao. Vốn là người có hàng chục năm sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, sau năm 1990, Ka Tuyn đã mở xưởng sản xuất thổ cẩm để bán cho khách và trở nên giàu có. Nhiều gia đình người Cil ở Bnơ C cũng trở nên khá giả với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Vậy nhưng bây giờ Ka Tuyn cũng than vãn: “Không thể sống được với nghề này nữa rồi, thổ cẩm ở đâu mà con buôn đem về đây nhiều lắm!... Mình dệt thủ công thế này không cạnh tranh được với họ đâu!...”.
Tương tự, làng nghề thổ cẩm truyền thống K’long, huyện Đức Trọng đã có thời ăn nên làm ra, thậm chí thành lập Công ty TNHH dệt thổ cẩm K’long, nhưng từ sau năm 2005 đến nay, Công ty này hoạt động không hiệu quả, công nhân bỏ việc, xưởng sản xuất vắng tanh. Nơi bày bán sản phẩm rộng khoảng 150m2, bên cạnh quốc lộ 20 giờ đây chỉ dành một góc khiêm tốn cho thổ cẩm, hầu hết diện tích còn lại là các mặt hàng khác.
Tràn lan “thổ cẩm lạ”
Trong lúc các làng nghề thổ cẩm của bà con người Cil, Churu ở Lâm Đồng đang ngày càng gặp khó khăn và hầu như không còn ai dệt những sản phẩm có diện tích lớn, kỳ công vì đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí cao, thì trên thị trường, nhất là ở các điểm, khu du lịch tại Đà Lạt và vùng lân cận lại ngập những sản phẩm thổ cẩm “lạ”. Nghệ nhân Ka Tuyn quả quyết, đó không phải là những sản phẩm thổ cẩm do người Cil, người Churu ở Lâm Đồng làm nên. Theo bà, thổ cẩm của người K’Ho, người Churu chỉ có hai gam màu đen và xanh đen là chủ đạo, hoa văn đơn giản mang nét sinh hoạt đời thường như hạt gạo, mặt trời, chim chóc, trong khi những sản phẩm thổ cẩm trên thị trường lại đủ các màu sắc, hoa văn lạ.
Tại các khu, điểm du lịch ở Đà Lạt hiện nay đều có những quầy bán những sản phẩm thổ cẩm, từ vòng đeo tay, túi xách, ví, bóp, cho tới quần áo, khăn, mũ…, người bán giới thiệu đây là những sản phẩm do chính người K’Ho, người Churu ở Lâm Đồng dệt. Tuy nhiên, một nhân viên bán hàng thổ cẩm thuê cho một chủ cơ sở tại Đà Lạt tiết lộ, phần lớn các sản phẩm thổ cẩm này được chủ nhập từ nơi khác về với giá rất rẻ. Chẳng hạn, một khăn quàng cổ trung bình chỉ khoảng 50.000 đồng, nếu gặp khách, đặc biệt là khách đến từ các nước phương Tây, chủ cơ sở có thể bán được với giá 270.000 đồng. Các cơ sở này chia “hoa hồng” cho người dẫn khách tới mua rất cao, thành thử người bán thổ cẩm bản địa thật sự không thể cạnh tranh nổi với “thổ cẩm lạ”. Để qua mặt du khách, hầu hết các cơ sở kinh doanh mặt hàng “thổ cẩm lạ” đều lắp đặt một khung cửi đang dệt dở dang một tấm vải. Dĩ nhiên, họ thuê một phụ nữ người K’Ho hoặc Churu ngồi vào đó dệt mỗi khi có khách tới. Đã có lần, một du khách tinh ý hỏi: Chỉ có mỗi một khung cửi này mà dệt được cả quầy hàng thổ cẩm đồ sộ này sao. Chủ cơ sở ấp úng chống chế lại: Em nhập thêm ở nơi khác về!...
Ông Đỗ Quang Tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương cho biết: “Phần lớn thổ cẩm bán ở địa phương không phải do người K’ho dệt, không biết họ đưa ở đâu về, khi bán thì giới thiệu với khách là thổ cẩm của người K’Ho thế thôi chứ không phải đâu!...”.
Báo Lâm Đồng