Tuyến đường giao thông của xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được đầu tư xây dựng sạch đẹp. Ảnh: Tá Chuyên-TTXVN |
Tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An việc thực hiện chương trình nông thôn mới để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó khăn. Nguyên nhân nhiều xã có xuất phát điểm thấp, kinh tế xã hội kém phát triển, nguồn lực huy động trong dân hạn chế, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn… Đơn cử, như huyện Quỳ Châu là huyện miền núi, đến nay mới chỉ có một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2019 tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các xã trong thực hiện chương trình nông thôn mới; trong đó, có việc yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới. Đồng thời, ưu tiên ngân sách và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để các xã hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các địa bàn nông thôn, miền núi; trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình nông thôn mới, tỉnh quy định phải ưu tiên thực hiện ở thôn, xóm (tối thiểu 80% tổng vốn) cho các công trình thiết yếu phục vụ cho số đông người dân được hưởng lợi và ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu như: giao thông nông thôn, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa, nước sạch và vệ sinh môi trường. Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh Nghệ An đã huy động được trên 9.930 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn trực tiếp thực hiện chương trình nông thôn mới là 2.698 tỷ đồng, chiếm 27,2%; vốn lồng ghép các chương trình 2.121 tỷ đồng, chiếm 21,7%; vốn tín dụng 2.455 tỷ đồng, chiếm 24,7%; vốn doanh nghiệp 883 tỷ đồng, chiếm 8,9%; vốn người dân đóng góp 1.742 tỷ đồng chiếm 17,5%.
Nguyễn Văn Nhật