Phụ nữ nông thôn vùng ven biển tỉnh Nghệ An đan lưới phục vụ khai thác biển. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Để khắc phục khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên khai thác, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế- xã hội, trong đó trọng tâm là ưu tiên giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận. Tỉnh cũng nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững đến các hộ.
Nghệ An cũng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông về giảm nghèo; xây dựng và phát sóng các phóng sự về công tác giảm nghèo; tổ chức hội thi tìm hiểu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách giảm nghèo; duy trì các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của 113 cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận giúp đỡ 108 xã nghèo và các hộ nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Từ năm 2016 đến cuối năm 2018, tỉnh Nghệ An đã huy động được trên 6.906 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó từ ngân sách Trung ương 6.591 tỷ đồng (chiếm 95,43%); ngân sách địa phương 30 tỷ đồng (chiếm 0,43%); huy động khác 284 tỷ đồng (chiếm 4,12%). Thông qua nguồn vốn này, tỉnh Nghệ An đã triển khai được nhiều nội dung quan trọng trong chương trình giảm nghèo bền vững, có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 7,54% hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 2,28%.
Hiện việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân cả nước. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giáo dân, ven biển. Mô hình giảm nghèo chưa nhiều, quy mô mô hình còn nhỏ, mức đầu tư thấp. Nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn hạn chế, công tác lồng ghép nguồn lực thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít. Mặt khác, một bộ phận người nghèo, chính quyền địa phương còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo mà muốn nằm trong diện nghèo để được hưởng chính sách của nhà nước.
Nguyễn Văn Nhật