Nghệ An tăng số lượng học sinh và áp lực đảm bảo điều kiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tăng số lượng học sinh và tăng lớp đang là áp lực của nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An trong năm học 2024 - 2025. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh vào năm học mới, thời điểm này, các nhà trường đang tích cực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm trường lớp mới.

vna_potal_nghe_an_dam_bao_cac_dieu_kien_de_trien_khai_chuong_trinh_giao_duc_pho_thong_moi__7539749.jpg
Dãy nhà nội trú của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tương Dương vừa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chật vật để bố trí lớp học

So với năm học trước, năm nay, số học sinh đầu cấp của thành phố Vinh ít hơn. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng số học sinh, toàn thành phố vẫn tăng 40 lớp với gần 2.000 em. Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí tổ chức dạy và học.

Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Vinh hiện có 1.100 học sinh với 28 lớp. Gần đến ngày tựu trường nhưng công việc của trường vẫn ngổn ngang bởi năm học này ngôi trường cũ đã tồn tại hàng chục năm nay của trường sẽ chính thức được phá dỡ. Trong khi chờ được xây mới, nhà trường sẽ tạm thời phải chuyển sang địa điểm mới ít nhất là 2 năm cho đến khi công trình được hoàn thành. Thời gian qua, để đảm bảo không gián đoạn việc học của học sinh, nhà trường đã liên hệ để thuê lại phòng học của Trường Đại học Công nghiệp Vinh. Tuy nhiên, vì chỉ có 26 phòng, trong khi trường có 28 lớp và chưa kể các phòng hiệu bộ và phòng chức năng khác nên việc bố trí lớp học cho năm học mới còn nhiều khó khăn. Chưa kể, với đặc thù của học sinh tiểu học, các em sẽ ở lại trường và thực hiện bán trú. Trong khi đó, điều kiện hiện nay của nhà trường sẽ khó có thể đảm bảo để đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh.

Cô giáo Từ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: Trong điều kiện hiện nay, trường không thể đảm bảo đủ lớp để bố trí học 5 ngày trong tuần. Vì thế, các lớp sẽ phải nghỉ luân phiên và học thêm vào thứ 7. Riêng việc tổ chức bán trú, hiện nay, trường chưa có kinh phí để thuê nhà bếp vì thế rất khó để triển khai. Có thể, sau khi vào năm học, nhà trường sẽ bàn bạc với phụ huynh để có phương án huy động một phần kinh phí. Đây là giải pháp tối ưu nhất vì việc tự tổ chức nấu ăn cho học sinh sẽ vừa tiết kiệm, vừa an toàn hơn so với nếu đặt các suất ăn từ một đơn vị trung gian.

Ngoài Trường Tiểu học Quang Trung, năm nay học sinh ở Trường Trung học Cơ sở Quang Trung cũng sẽ phải chuyển sang trường tạm cùng địa điểm thuê với trường tiểu học. Tuy nhiên, vì địa điểm này đang cùng lúc có nhiều đơn vị khác cùng thuê nên việc đáp ứng đủ phòng học sẽ rất khó khăn. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học của nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chỉ có 14 phòng học cho 16 lớp và phòng làm việc. Vì thế, dự định của nhà trường sẽ bố trí các lớp học luân phiên vào buổi chiều để có đủ phòng học và có phòng bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho học sinh.

Không “chật vật” như trường Tiểu học Quang Trung và Trung học cơ sở Quang Trung, tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, thành phố Vinh, cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm nay, trường tăng 1 lớp so với năm học trước. Vì thế, dù năm ngoái nhà trường mới được đầu tư xây dựng mới nhưng năm nay vẫn thiếu 1 phòng học. Để không ảnh hưởng đến việc dạy học, nhà trường dự kiến sẽ chuyển một phòng học chức năng sang phòng học và linh hoạt hơn trong việc sắp xếp, bố trí một số tiết học thực hành, ngoại khóa…

vna_potal_nghe_an_dam_bao_cac_dieu_kien_de_trien_khai_chuong_trinh_giao_duc_pho_thong_moi__7539751.jpg
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Châu Cam (Con Cuông, Nghệ An) được xây dựng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách huyện, với tổng số vốn hơn 27 tỷ đồng, đang được gấp rút hoàn thiện để đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

50 triệu đồng là kinh phí tiết kiệm được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Thắng, huyện Tương Dương dùng để bổ sung, mua sắm một số thiết bị cho năm học mới. Số tiền ít ỏi nên dù nhu cầu rất lớn nhưng những thiết bị mà nhà trường mua được chỉ là một vài vật dụng đơn giản như quả cầu, một số tranh ảnh, bản đồ…

Thầy giáo Nguyễn Đăng Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của tỉnh, của huyện và từ nguồn xã hội hóa của địa phương, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Thắng đã có đủ phòng học vi tính, các phòng học được trang bị ti vi để phục vụ công tác dạy học. Năm học mới, trường được tiếp tục đầu tư nhà nội trú, các phòng chức năng, phòng thực hành và nhà trường mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để mua sắm trang thiết bị đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2024 - 2025 là năm học đặc biệt khi toàn ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả 12 khối lớp và là năm đầu tiên tổ chức các kỳ thi của tỉnh, tốt nghiệp trung học phổ thông theo chuẩn phẩm chất, năng lực. Để chuẩn bị cho năm học mới, trước ngày học sinh tựu trường, công tác đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đang được các nhà trường nhanh chóng triển khai dù còn rất nhiều khó khăn.

vna_potal_nghe_an_dam_bao_cac_dieu_kien_de_trien_khai_chuong_trinh_giao_duc_pho_thong_moi__7539744.jpg
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Thắng (Tương Dương, Nghệ An) được trang bị máy tính phục vụ việc dạy và học trong năm học mới. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại trường Trung học phổ thông Cửa Lò, sau hơn 2 năm khẩn trương thi công, đến thời điểm này, dãy phòng học mới với 20 phòng học, các phòng chức năng với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn ngân sách địa phương đang được gấp rút hoàn thành. Sau khi đi vào sử dụng không chỉ đảm bảo được việc tổ chức dạy học của hơn 1.500 học sinh mà còn đáp ứng đủ tất cả các phòng chức năng, phòng làm việc và phòng thực hành cho các bộ môn.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến chất lượng dạy và học. Từ năm 2021, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư gói thiết bị hơn 3,6 tỷ đồng để trang bị toàn bộ các phòng thực hành bộ môn với nhiều thiết bị đắt tiền nên đã đảm bảo việc dạy học và thực hành theo chương trình mới. Bên cạnh đó, mỗi năm nhà trường cũng đã bổ sung khoảng gần 100 triệu đồng để bổ sung mua sắm thiết bị mới phục vụ cho công tác dạy học.

Thời gian qua, việc đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là nhiệm vụ được ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương Nghệ An quan tâm, trong đó ưu tiên những trường ở vùng sâu, vùng xa, những trường có học sinh bán trú, nội trú. Đây là tiền đề quan trọng để các nhà trường nâng cao chất lượng dạy học. Trong năm vừa qua, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tập trung hỗ trợ các công trình xây dựng trường học đạt chuẩn đối với 10 xã nông thôn mới, 30 xã nông nông thôn mới nâng cao và 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện về đích trong năm 2023. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu phê duyệt bố trí hơn 87 tỷ đồng để triển khai 14 dự án cơ sở vật chất các trường trung học phổ thông. Ngoài ra, trong năm học này, các địa phương đã huy động đầu tư được 76 phòng học với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp và các hảo tâm; huy động từ nguồn hỗ trợ của phụ huynh học sinh được trên 200 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ học sinh.

Thực tế dù đã được bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mới vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực, người học, nhất là năng lực chuyển đổi số.

vna_potal_nghe_an_dam_bao_cac_dieu_kien_de_trien_khai_chuong_trinh_giao_duc_pho_thong_moi__7539752.jpg
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Châu Cam (Con Cuông, Nghệ An) được xây dựng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách huyện, với tổng số vốn hơn 27 tỷ đồng, đang được gấp rút hoàn thiện để đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục sẽ triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực cho giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo yêu cầu năm học mới với quy mô học sinh các cấp học tăng và nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Song song với đó, sẽ huy động sức mạnh hệ thống chính trị và sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong công tác vận động xã hội hóa giáo dục xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ danh mục thiết bị tối thiểu cho các nhà trường”.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm