Chiều 6/11, Bộ Y tế cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận 241 ca mắc COVID-19 mới, thấp nhất trong 2 tuần qua; có 1 bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.505.849 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.275 ca mắc).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 72 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.604.663 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 54 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 40 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca.
Trong ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Trong ngày 5/11 có 16.097 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 262.297.376 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.014.186 liều: Mũi 1 là 71.074.599 liều; Mũi 2 là 68.669.167 liều; Mũi bổ sung là 14.502.146 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.294.232 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.474.042 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.510.495 liều: Mũi 1 là 9.118.054 liều; Mũi 2 là 8.904.216 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.488.225 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.772.695 liều: Mũi 1 là 9.875.573 liều; Mũi 2 là 6.897.122 liều.
*Vaccine vẫn là chiến lược quan trọng
Tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.
Hiện nay chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Về hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.
Hầu hết các nghiên cứu có nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19. Do đó chưa thể xác định tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3, mũi 4 cần đạt là bao nhiêu và có cần tiêm mũi tiếp theo hay không.
Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
PV