Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu rõ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, năng lực xả tràn và thiết kế của nhiều hồ chứa đến nay không đáp ứng được tình hình mưa, lũ. Vì vậy cùng với nâng cao chất lượng quản lý, ngành phải nâng cao năng lực vận hành, dự báo thời tiết, dự báo nước về các hồ. Từ đó có những đánh giá nguy cơ, cảnh báo sớm cho vùng hạ du sơ tán và di dân nếu có nguy cơ cao.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thủy lợi đã theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước; giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi và dự báo nguồn nước để điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, đập thủy lợi tích nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất.
Đến tháng 5/2018, ngành thủy lợi đã cấp nước phục vụ diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2017-2018 với khoảng 3,13 triệu ha; phối hợp với với Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo xả nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2017-2018 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ cho 611.800 ha. Kết quả rút ngắn 3 ngày so với kế hoạch xả nước với tổng lượng nước xả trong cả 3 đợt là 5,74 tỷ m3.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Vụ An toàn đập đã hoàn thành việc cập nhật các thông số kỹ thuật của 6.648 hồ chứa lên trang: thuyloivietnam.vn để phục vụ tốt hơn trong chỉ đạo, điều hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát, quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn và tư vấn vận hành an toàn hồ Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, phục vụ vận hành bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2018.
Ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, bước vào mùa mưa bão, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn, tình hình mực nước, dung tích các hồ chứa phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên các lưu vực sông. Đặc biệt, tổng hợp tình hình an toàn hồ chứa, báo cáo, tham mưu kịp thời để Bộ chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa và vùng hạ du.
Tổng cục sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách phục vụ phòng chống úng, ngập đảm bảo an toàn công trình, hồ đập.
Bên cạnh việc phải đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đến tài nguyên nước. Điều này đòi hỏi ngành thủy lợi phải nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nước để đáp ứng những yêu cầu mới.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Tổng cục Thủy lợi sẽ triển khai tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để chuẩn bị cho Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018, năm 2018, Tổng cục Thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì soạn thảo 4 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 3 Nghị định và Thông tư. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 1 Thông tư; riêng “Nghị định về quản lý an toàn đập” hiện đang xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi điều chỉnh và hiệu lực thi hành.
Bích Hồng