Ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam và chiến lược phát triển

Ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam và chiến lược phát triển
Sản xuất chè Ô long xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Long Đỉnh ở huyện Lâm Hà. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ được hơn 70 tấn chè, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Sản xuất chè Ô long xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Long Đỉnh ở huyện Lâm Hà. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ được hơn 70 tấn chè, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp dược

Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, như: diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)... Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Quá trình điều tra về tri thức bản địa cũng đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.

Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Khai thác, Chế biến lâm sản Đà Lạt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
 Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Khai thác, Chế biến lâm sản Đà Lạt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thực tế qua 30 năm đổi mới, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành công nghiệp Dược Việt Nam đã có bước tiến khá nhanh với những kết quả quan trọng. Hiện có gần 200 doanh nghiệp với nhiều dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại đã được đầu tư, số lượng các cơ sở sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc GMP tăng nhanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã sản xuất được một số thuốc đòi hỏi trình độ công nghệ cao, đặc biệt đã sản xuất được một số loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đã có sản phẩm dược do các doanh nghiệp trong nước tự nghiên cứu, sản xuất bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu tại thị trường trong nước khá vững chắc và đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu ra một số quốc gia trên thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam để đầu tư với một số dự án quy mô lớn đóng góp tích cực vào phát triển của ngành dược thời gian qua.

Sản xuất tân dược tại Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Sản xuất tân dược tại Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tuy nhiên, theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam đang dừng lại ở gần mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Phần giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000ha, đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước.

Thêm nữa, nguồn nguyên liệu cho tổng hợp hóa học còn nghèo nàn do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu chưa phát triển, nên nguyên liệu đều phụ thuộc nhập khẩu (trên 90% sản phẩm hóa dược nhập khẩu). Trong khi thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Vì thế, hầu hết các nhà sản xuất trong nước có tâm lý sản xuất những mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả mang lại không cao, hơn là sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao và thiết bị tiên tiến…

Định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam

Mỗi năm, Công ty TNHH Vĩnh Tiến ở thành phố Đà Lạt tiêu thụ được hơn 100 tấn sản phẩm Atiso các loại, đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 130 lao động. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
 Mỗi năm, Công ty TNHH Vĩnh Tiến ở thành phố Đà Lạt tiêu thụ được hơn 100 tấn sản phẩm Atiso các loại, đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 130 lao động. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Để phát huy nội lực, nâng cao khả năng cung ứng trong nước, thúc đẩy phát triển ngành hóa dược theo hướng bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường và từng bước hướng tới xuất khẩu, tại Hội thảo“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 (ngày 27-6-2017), Bộ Công Thương đã đề xuất một số định hướng ưu tiên, giải pháp cụ thể cần được xem xét và triển khai mạnh mẽ. Trong đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất khẩu, thuốc từ dược liệu và thuốc gốc (generic) thay thế thuốc nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu; kết hợp chặt chẽ nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành dược, ngành hóa chất với nguồn lực của các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khoa học.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam (ngày 12-4-2017). Trong đó nêu rõ 3 định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam là: Một, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng phát triển. Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Hai là, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu. Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu.

Ba là, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Tuấn Anh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm