Còn tiêu cực
Đầu tháng 6 vừa qua, dư luận xôn xao việc bán đấu giá thanh lý 135 xe máy bị Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thu giữ. Cụ thể, Hội đồng đấu giá của Công an huyện Can Lộc đã ủy quyền cho chi nhánh Công ty cổ phần Đấu giá Phú Quý tại Hà Tĩnh thực hiện bán đấu giá. Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu mua xe tìm tới địa chỉ theo thông báo của Công ty Phú Quý lại không thấy văn phòng. Bên cạnh đó, trong thời gian đăng ký tham gia đấu giá, rất nhiều cá nhân đã tìm cách liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Phú Quý, nhưng câu trả lời cuối cùng chỉ nhận được là “lô xe đã bán!”. Trước sự việc lùm xùm này, Bộ Tư pháp đã gửi văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Hà Tĩnh báo cáo.
Kiểm tra tính hợp lệ của các cổ phiếu tham gia đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. |
Đây chỉ là một trong những vụ việc xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản. Tại hội thảo góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Đinh Đăng Dung, giám đốc Chi nhánh công ty hợp danh và bán đấu giá tài sản Phương Nam chia sẻ, hoạt động bán đấu giá có tiêu cực. Đó là tiêu cực giữa người có tài sản và người tổ chức bán đấu giá. Tiêu cực thứ hai là giữa đấu giá viên và người mua tài sản.
Theo ông Dung, nếu một phiên đấu giá không có thông tin rõ ràng trên báo chí thì rất dễ có sự thông đồng, vì có rất nhiều người muốn mua tài sản nhưng không biết tài sản đó được bán ra sao. Cũng có tình trạng đăng xong rồi người dân đến hỏi thông tin thì lại được trả lời người phụ trách đi vắng, không cho xem hồ sơ. “Họ lấy cách đó để đẩy khách hàng đi chỗ khác, nhường phần mua đấu giá cho “quân xanh, quân đỏ”. Vì vậy mục tiêu của việc bán đấu giá với giá cao nhất đã không đạt được”, ông Dung cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khẳng định, hiện tượng “quân xanh, quân đỏ, chân gỗ” dẫn đến tiêu cực trong bán đấu giá là có thật. Ông Trần Du Lịch dẫn chứng trường hợp có người muốn mua miếng đất, căn nhà tốt nhưng lại có lực lượng đến ngăn cản tới đấu giá mà không ai dám làm gì. Từ đó, ông Trần Du Lịch đề nghị, dự thảo Luật Đấu giá tài sản phải có chế định khắc phục hiện tượng tiêu cực này.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm
Hiện nay, dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo gồm 8 chương, 79 điều, trong đó, có bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá như: tài sản nhà nước, đất đai, thi hành án... ; bổ sung các hành vi nghiêm cấm, các quy định liên quan đến trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.
Để ngăn chặn tình trạng đấu giá mang tính hình thức, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá gây thất thoát tài sản, dự thảo cũng dành hẳn một chương quy định về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản. Dự thảo cũng liệt kê hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên; tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
Đánh giá về các nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về đấu giá tài sản khá chặt chẽ, nhưng nếu không có chế tài xử lý nghiêm minh với tổ chức, cá nhân vi phạm thì tiêu cực trong đấu giá vẫn còn đất để tồn tại. Vì thế, ban soạn thảo cần xem xét nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản khi xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với các hành vi: lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản hoặc thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Mức xử phạt này được đánh giá là quá thấp so với lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân thu được khi tìm cách “đi đêm” hay câu kết hòng chiếm đoạt tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá.