Một hộ thương binh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN |
Sau khi tham gia chiến trường Campuchia, thương binh Lê Văn Nga ( xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) đã để lại nơi đất bạn bàn chân của mình. Trở lại quê hương với thương tật hạng ¾, thương binh Lê Văn Nga với ý chí quyết tâm của người lính “Bộ đội cụ Hồ” đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông Nga cho biết, thời gian đầu về nhà cuộc sống khó khăn, đi làm thuê nhiều người không mướn, gia đình có ít đất sản xuất nên ông lên tận huyện Tân Hưng (Long An) để lập nghiệp. Cái nghèo mãi đeo bám lấy ông.
Năm 2014, ông Nga quyết định về lại quê nhà để lập nghiệp. Ông chia sẻ, sau khi về địa phương, được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh xã, cùng chính quyền địa phương, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để mua bò chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông Nga nuôi thêm lợn nái, tận dụng đất quanh nhà để trồng thêm cỏ nuôi bò. Từ nguồn vốn ban đầu, vợ chồng ông Nga tích góp trả nợ, cuộc sống dần trở nên đỡ vất vả hơn. Ông Nga cho hay, sau khi trả được 30 triệu, ông tiếp tục được vay 50 triệu để đầu tư thêm chuồng trại, mua thêm dê để chăn nuôi phát triển kinh tế. Hiện nay, nguồn thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi cũng mang lại cho gia đình cuộc sống no đủ. Theo ông, được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cho vay tín chấp thông qua ủy thác của Hội Cựu chiến binh như tiếp thêm nguồn lực để cho những thương binh vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Bởi vì, các hộ nghèo khó tiếp cận nguồn vốn vì không có tài sản thế chấp. Nguồn vốn ban đầu giúp cho người thương binh, cựu chiến binh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo - Thương binh Lê Văn Nga chia sẻ.
Ngân hàng Chính sách xã hội Bến Tre giải ngân vốn vay cho thương binh, cựu chiến binh. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN |
Tại xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, thương binh Nguyễn Văn Vinh đang chuẩn bị xây dựng lại căn nhà mới khang trang nhờ hai đứa con đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản gửi tiền về xây dựng. Ông Vinh cho biết, nếu không được hỗ trợ vốn vay từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, hai đưa con ông đã không được đi xuất khẩu lao động và có cuộc sống khấm khá như hôm nay. Ông Vinh chia sẻ, sau khi rời chiến trường từ Campuchia trở về với thương tật hơn 81%(thương binh hạng ¼), cuộc sống của ông rất khó khăn. Thực hiện lời căn dặn của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông quyết tâm cố gắng làm việc để lo cho cuộc sống gia đình và lo cho hai đứa con ăn học. Thấy gia đình khó khăn, người con lớn của chú ông bàn chuyện đi lao động nước ngoài. Thời điểm đó, gia đình không có tiền để lo cho con. Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội,ông có đủ tiền cho con đi làm tại Nhật Bản. Hiện nay, hai đứa con ông đang đi lao động tại Nhật Bản, mỗi tháng đều gửi về tiền về cho gia đình. Thương binh Nguyễn Văn Vinh cho hay, từ nguồn vốn vay, gia đình có điều kiện để phát trển kinh tế hơn, an tâm hơn trong cuộc sống. Hiện tại, ông Vinh còn hỗ trợ các cựu chiến binh khác trong xã để có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi phát triện kinh tế.
Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Lộc, huyện Mỏ cày Nam cho biết, xã có 122 hộ vay thông qua ủy thác của Hội với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội, các thương binh, cựu chiến binh trong xã có điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế. Từ năm 2012 đến 2017, xã có 36 hộ thương binh, cựu chiến binh thoát nghèo từ nguồn vốn vay. Đến nay, xã Hòa Lộc không còn hộ thương binh, cựu chiến binh nằm trong hộ nghèo. Các thương binh, cựu chiến binh có điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống.
Một gia đình thương binh được hỗ trợ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN |
Theo bà Trần Lam Thùy Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre, Hội Cựu chiến binh là một trong bốn đơn vị nhận ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng Chính sách Xã hội nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây nhà (nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo), góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen. So với các đối tượng khác, nguồn vốn cho vay đối với thương binh, cựu chiến binh là đạt hiệu quả rất cao bởi tinh thần người lính vẫn còn trong họ. Khi trở về đời thường, trong cuộc sống lao động hàng ngày, được tiếp sức thêm từ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, họ đã phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống rõ rệt. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ ủy thác cho Hội Cựu chiến binh hơn 63 tỷ đồng, gần 2200 hộ vay.
Nếu trước đây ( từ 28/2/2019 trở về trước), mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ, kể từ 1/3/ 2019 đã tăng lên 100 triệu đồng/hộ vay, thời gian vay tối đa đến 120 tháng, phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi. Kể từ khi thực hiện Đề án số 4190/ĐA-UBND ngày 16/8/2016 về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, các cấp chính quyền, các Hội, đoàn thể luôn đồng hành với người nghèo trên con đường thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo đói thông qua việc giúp họ xây dựng sinh kế, vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Huỳnh Phúc Hậu