Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng bùng phát, lan rộng tại tỉnh Lạng Sơn. Ngành chức năng địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn trên địa bàn...
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và các địa phương, từ đầu năm đến nay (số liệu tính đến ngày 13/6), dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hơn 1.000 hộ/227 thôn/75 xã/10 huyện, thành phố (huyện Đình Lập chưa xảy ra dịch). Tổng số lợn chết, phải tiêu hủy hơn 3.270 con, tổng trọng lượng trên 159.860 kg.
Theo cơ quan chức năng địa phương, nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan chủ yếu do chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Việc xử lý các ổ dịch tả lợn châu Phi chưa triệt để. Một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đồng bộ.
Đặc biệt là việc vận chuyển lợn giống từ tỉnh khác vào địa bàn đưa thẳng vào các hộ chăn nuôi lợn, chưa qua kiểm soát là một trong những nguyên nhân phát sinh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, không ít chủ hộ chăn nuôi chưa thực hiện đúng các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn theo đúng quy định. Việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh…
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Bình Gia đã quyết định công bố dịch bệnh này ở 15/19 xã. Lãnh đạo UBND huyện Bình Gia cho hay, việc công bố dịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi, khoanh vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm để triển khai các biện pháp cấp bách ngăn dịch bệnh lây lan. Toàn bộ số lợn mắc bệnh, bị chết bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Nguyễn Mạnh Tuấn yêu cầu, Chủ tịch UBND các xã có dịch chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của xã, các thôn và nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh; thực hiện đồng bộ biện pháp bao vây dập dịch; đặt biển báo, lập chốt kiểm soát nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra, vào vùng có dịch; tiến hành tiêu độc khử trùng theo quy định.
Mặc dù, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều xã, huyện ở tỉnh Lạng Sơn diễn biến khá phức tạp song đàn lợn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, chưa bị nhiễm bệnh dịch này.
Ông Vi Văn Thu ở xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình có 12 con lợn vẫn khỏe mạnh, an toàn trong khi nhiều hộ trên địa bàn xã lợn nuôi đã bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Ông Thu chia sẻ, khoảng tháng 4/2024, gia đình mua giống của cơ sở uy tín khi lợn được một tháng tuổi. Để phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cùng với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng khu chăn nuôi tách biệt, thường xuyên tiêu độc, khử trùng, dọn vệ sinh chuồng trại, gia đình ông đã mua vaccine dịch tả lợn châu Phi về tiêm cho đàn lợn.
Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Lạng Sơn khoảng hơn 181.200 con. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh khá cao, do tập quán chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ của người dân. Thời tiết thay đổi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của con nuôi... Do vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi nói chung, đàn lợn nói riêng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tỉnh đặt mục tiêu tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn ở tất cả 200 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó, tiêm cho đàn lợn khoảng 150.000 lượt con.
Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 7/2023, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Hùng khuyến cáo, virus tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại trong môi trường trong thời gian dài, do vậy, người chăn nuôi lợn luôn phải chú trọng công tác khử khuẩn chuồng trại, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, khi mua con giống về tái và tăng đàn nên chọn lựa nguồn con giống có đủ giấy tờ kiểm dịch thú y; bố trí khu vực chăn nuôi lợn giống mới, sau 21 ngày nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập đàn…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, để ngăn chặn, khống chế các ổ dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp hóa chất đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Đồng thời, Sở cũng gửi văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các xã bám sát địa bàn quản lý, thường xuyên kiểm tra đàn lợn của hộ nuôi để kịp thời xử lý nếu phát hiện lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập Tổ công tác gồm các cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hỗ trợ các địa phương đang có dịch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao kiến thức phòng bệnh, chăn nuôi an toàn cho nhân dân...
Theo thống kê, năm 2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 76 ổ dịch tại 590 hộ/163 thôn/59 xã/10 huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tổng số lợn ốm, chết và buộc tiêu hủy hơn 2.300 con, chủ yếu là lợn con và lợn thịt.
Vũ Văn Đạt