Thu hoạch chè ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Uống trà đã là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam nói chung và người Mộc Châu nói tiêng. Ở Mộc Châu, nét văn hóa cùng không gian văn hóa các dân tộc gắn với hình ảnh các cô gái người Thái, Dao... khi pha trà không cầu kỳ mà lại mộc mạc chân tình.
Đến Mộc Châu, du khách bị cuốn hút bởi những đồi chè trải dài bất tận với màu xanh đầy sức sống mãnh liệt cùng với làn gió cao nguyên nhẹ nhàng và thưởng thức một ly trà ngon. Theo các nghệ nhân pha trà nơi đây, búp chè là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến thành công sản phẩm chè ngon. Chính vì vậy, yêu cầu kỹ thuật đối với người làm chè là hái chè phải đảm bảo 1 tôm với 2-3 lá non.
Người hái chè giỏi, vừa hái vừa phải tạo tán để điều tiết sinh trưởng của cây chè, đồng thời đảm bảo được năng suất, chất lượng búp cho lứa tiếp theo. Để có một ấm trà ngon, trước tiên phải lưu ý đến các bước nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Khi pha trà dùng nước giếng hoặc nước lọc, pha xong nước có màu vàng óng như mật ong, khi thưởng trà thưởng cả hương, vị, sắc nước của trà.
Chị Trần Thu Hà, ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội là du khách đến Mộc Châu cho biết: "Chiêm ngưỡng đồi chè rộng bát với hình thù rất bắt mắt, không gian thoáng đãng rộng mở, đặc biệt được thưởng trà do chính người dân địa phương pha với những nét tinh túy là cảm giác khó quên khi đặt chân đến Mộc Châu".
Chè Mộc Châu là giống chè Shan Tuyết được trồng thử nghiệm từ những năm 1958. Sau gần 60 năm cây chè trở thành một trong những cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Vùng nguyên liệu chè Mộc Châu được trồng tập trung chủ yếu ở thị trấn nông trường và các xã Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Sơn với nhiều giống chè chất lượng cao như Shan Tuyết, Kim Huyên, Bát Tiên, Ô Long…
Thu hái chè Mộc Châu, Sơn La - TTXVN |
Hiện nay, diện tích trồng chè của huyện Mộc Châu đạt trên 1.800 ha, với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Afganistan… Sản xuất, chế biến chè đã tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cây chè không chỉ mang ý nghĩa về mặt sản xuất, mà còn góp phần tạo nên không gian độc đáo thu hút hàng triệu du khách đến với Mộc Châu hàng năm.
Nhờ được trồng ở vùng điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp nên chè Mộc Châu có hương vị đặc biệt so với vùng chè khác trong cả nước. Để tôn vinh những người trồng chè, cứ vào dịp vụ chè Xuân khoáng tháng Tư hàng năm huyện Mộc Châu lại tổ chức hội thi chè nhằm tôn vinh những người trồng chè cũng là quảng bá hình ảnh du lịch Mộc Châu với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chè.
Đây cũng là dịp thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện. Từ đó, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người trồng chè của huyện Mộc Châu. Thời gian tới, chính quyền và nhân dân Mộc Châu sẽ đẩy mạnh việc gắn liền giữa việc phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch để phát triển kinh tế bên vững.
Bà Đỗ Thị Thao, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ cho hay, mục tiêu mà công ty luôn hướng đến là duy trì chất lượng sản phẩm chè sạch. Cùng đó, nâng cao giá chè búp tươi giúp tăng thu nhập cho người trồng chè và không ngừng quảng bá thương hiệu chè của Công ty nói riêng và chè Mộc Châu nói chung đến nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo ông Đoàn Hùng Tiến, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chè Việt Nam, Mộc Châu có những lợi thế rất tốt về điều kiện khí hậu, đất đai nên xứng đáng là nơi có những sản phẩm chè chất lượng cao của Việt Nam. Để không ngừng phát triển chè tại đây, Mộc Châu cần thêm sự phong phú về chủng loại chè trồng tại địa phương, nhất là các giống chè quý.
Hằng Trần