Nỗ lực phát triển kinh tế, nhiều phụ nữ Cơ-tu ở các huyện vùng cao Quảng Nam đã trở thành những tấm gương sáng về xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương. Không dừng lại ở thành quả này, nhiều năm qua, các chị còn đồng hành cùng người dân trong hành trình thoát nghèo...
Mưa rừng vừa ngớt, chị Bh’nướch Thị Blắc ở thôn R’cung, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang vội ngược núi mang thức ăn cho đàn gà hơn 2.000 con nuôi trên đất rẫy. Nhiều năm qua, mảnh vườn hơn 5 ha của vợ chồng chị đã trở thành nơi gieo mầm cho hành trình phát triển kinh tế gia đình. Chị Blắc cho biết: “Gà thả vườn nên chất lượng thịt thơm ngon. Mỗi năm, tôi xuất bán 3 - 4 lứa, mỗi lứa 300 - 500 con, đem lại thu nhập đáng kể”.
Từ nguồn thu của mô hình chăn nuôi gà thả vườn, chị Blắc tiếp tục đầu tư trồng hơn 1,6 ha cam, quýt, bưởi...; hơn 3 ha quế; mua sắm xe cơ giới để vận tải, san ủi đất vườn phục vụ người dân địa phương. Với mô hình kinh tế kết hợp này, chị Blắc thu về hơn 500 triệu đồng/năm. Chị Blắc chia sẻ: “Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp mọi người có thêm phương pháp làm ăn, phát triển kinh tế”.
Để nông sản vùng cao đến với thành phố Đà Nẵng, huyện Tam Kỳ và một số vùng lân cận, nhiều phụ nữ Cơ-tu đã mạnh dạn kết nối, thăm dò thị trường và thành lập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cộng đồng. Tiêu biểu trong số đó là HTX nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch của chị Coor Thị Nghệ ở thôn A Ting, xã Ga Ry, huyện Tây Giang. Đây được coi là HTX đầu tiên ở vùng cao mở hướng đi mới, giúp đồng bào ở các xã biên giới có cơ hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Bríu Thị Nem, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang cho biết, những năm qua, địa phương xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ. Đó là các chị Alăng Thị Mí, Coor Thị Bân ở xã A Xan; chị Coor Thị Nghệ ở xã Ga Ry; chị Bh’nướch Thị Blắc ở xã Bha Lêê… với những mô hình như: trồng dược liệu, dệt thổ cẩm, chăn nuôi heo…, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
“Để phụ nữ vùng cao tiếp tục tự tin phát triển kinh tế, thoát nghèo, các cấp hội phụ nữ huyện Tây Giang đã tăng cường tuyên truyền, định hướng các mô hình mới phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn, tập huấn cho hội viên phụ nữ có ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh”, chị Bríu Thị Nem cho biết thêm.
Khánh Nguyên