Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về quyền tiếp cận thông tin

Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về quyền tiếp cận thông tin

Ngày 6/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) tổ chức Hội thảo đánh giá 5 năm thực thi Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Dương Ánh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang, Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân quy định tại Điều 25, Hiến pháp 2013. Việc thực thi Luật có ý nghĩa đảm bảo quyền công dân, góp phần tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tăng niềm tin của người dân vào một Chính phủ minh bạch, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Trong 5 năm qua (từ năm 2018-2023) tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn. Các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cung cấp thông tin cho trên hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Kết quả đánh giá việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin ở Hà Giang cho thấy đã đạt được thành tựu đáng khích lệ.

Hà Giang là một trong những tỉnh đạt được thành tựu đáng kể về chuyển đổi số khu vực công và đứng đầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về nhận thức số. Từ khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, UBND tỉnh Hà Giang nhanh chóng chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các huyện, thành phố khẩn trương ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi, trách nhiệm tại cơ quan, tổ chức, địa phương, bảo đảm đầy đủ nội dung của quy chế theo quy định, đảm bảo thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời. Cùng với đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tăng 7 bậc và chỉ số PAPI tăng 6 bậc so với năm 2020…

Bên cạnh kết quả đạt được, Hà Giang là tỉnh miền núi có nhiều khó khăn đặc trưng về cơ sở hạ tầng chuyển đổi số do địa hình núi cao và về tiếp cận thông tin bằng tiếng phổ thông đối với người đồng bào dân tộc thiểu số (người dân tộc thiểu số chiếm tới 87%) còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện đầy đủ tất cả các yêu cầu Luật đề ra.

Hội thảo dành nhiều thời gian nghe đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kết quả đánh giá thực thi Luật Tiếp cận thông tin; kinh nghiệm xây dựng chuyên mục tiếp cận thông tin trên cổng thông tin điện tử; Luật Tiếp cận thông tin với việc nâng cao chỉ số quản trị công ở địa phương.

Thông qua Hội thảo đã nâng cao vai trò của cơ quan chức năng và cơ quan giám sát địa phương trong thúc đẩy thực thi Luật. Thúc đẩy cam kết của chính quyền địa phương trong việc thi hành Luật. Đặc biệt, thông qua đó góp phần thúc đẩy cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng phát huy thế mạnh về nhận thức số và thể chế số, đồng thời cải thiện hoạt động xã hội thông qua việc tăng cường mức độ sử dụng các cổng/ trang thông tin điện tử của người dân và phản hồi của chính quyền qua các cổng/trang thông tin điện tử.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm