Ngày 29/11, tại thành phố Hòa Bình, Ủy ban Dân tộc tổ chức Diễn đàn Điều phối lần thứ 2 với chủ đề "Thu hút nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2026-2030: Nhu cầu, thách thức, kinh nghiệm và giải pháp".
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, sở, ngành các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và 11 nhà tài trợ quốc tế.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh: Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác phát triển để tập trung thúc đẩy kết nối về cơ sở hạ tầng tại các xã, huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các trục cơ sở hạ tầng quốc gia, tạo cơ hội tăng trưởng bao trùm. Đồng thời, đơn vị hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng sinh kế và tri thức địa phương; bảo tồn và khai thác bản sắc văn hóa, phát triển du lịch, đa dạng hóa sinh kế.
Cùng với đó, Ủy ban Dân tộc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo lực lượng lao động có đủ kiến thức, kỹ năng và cơ hội để tham gia bình đẳng vào thị trường lao động chính thức; tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc đổi mới về cách tiếp cận, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và tăng cường năng lực cán bộ công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực điều phối của Ủy ban Dân tộc và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở các cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình chiếm 74,31% dân số. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai 21 dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; y tế - văn hóa - xã hội…
Trong quá trình triển khai, tỉnh Hòa Bình luôn thực hiện tốt các chương trình, dự án ODA và đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người nông thôn nhất là vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn vay còn gặp một số khó khăn như: Hạn mức dư nợ vay của tỉnh thấp (giai đoạn 2023-2025 là 30%); khó khăn trong việc cân đối các nguồn vốn để trả nợ; hạn chế năng lực trong lựa chọn, chuẩn bị dự án và quy trình thủ tục phức tạp khi muốn triển khai các dự án...
Ông Đinh Công Sứ mong muốn, thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhất là vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực về hạ tầng giao thông liên vùng, y tế, nông nghiệp, tăng trưởng xanh, chuyển đối số, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm của đại diện các tỉnh về nhu cầu; thách thức và kinh nghiệm trong thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tóm tắt những thách thức của các tỉnh trong thu hút nguồn vốn; chia sẻ của các bộ, ngành Trung ương về định hướng đối với nhu cầu và thách thức của địa phương trong thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi và những trao đổi của các đối tác phát triển về chiến lược hợp tác, chính sách ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Diễn đàn Điều phối lần thứ 2 là hoạt động trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030" (Dự án TA6776-VIE) do Ủy ban dân tộc thực hiện với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Nhật Bản vì châu Á và Thái Bình Dương Thịnh vượng và Thích ứng (JFPR) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á.
Vũ Hà