Nâng cao hiệu quả thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

Nâng cao hiệu quả thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Sáng 22/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp cùng Dự án Phát triển lập pháp Quốc gia (NLD - Canada) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Hội thảo có sự tham dự của Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước. 
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả.    
Lãnh đạo Ủy ban Pháp luật Quốc hội chủ trì hội. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Lãnh đạo Ủy ban Pháp luật Quốc hội chủ trì hội. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Ông Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá: Thực tế cho thấy, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 là rất dài (5 năm) nên khó khả thi, dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, điểm nổi bật nhất của Luật năm 2015 là không còn quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội mà chỉ giữ lại quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội để tập trung xây dựng tốt Chương trình này đảm bảo tính khả thi.

Chương trình hàng năm được lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách cũng là một điểm mới đột phá, trong đó điểm nhấn của quy trình chính sách chính là trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách.    
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về quy trình xây dựng chính sách trong giai đoạn lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh tại Quốc hội và trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm phục vụ việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội và thực hiện các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.    

Để thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII đề xuất: Ủy ban Pháp luật cần dành nhiều thời gian tổ chức nghiên cứu các kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; trao đổi, làm việc trước với các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội để nắm bắt tính cấp thiết ban hành văn bản. Trường hợp cần thiết, có thể tổ chức các cuộc khảo sát thực tiễn, tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học...

Các ý kiến này được tổng hợp gửi ngay cho thành viên Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.  

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 22 – 23/12.

Vũ Tiến Lực

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm