Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường TTPBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” Bộ Quốc phòng. Ảnh: bienphong.com.vn |
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, chỉ ra hạn chế và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), cho biết: Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của đất nước. Những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại vấn đề di cư ngoài kê hoạch, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, trong thời gian tới các cấp chính quyền địa phương, hội đoàn thể, sở, ngành liên quan và các lực lượng vũ trang cần làm tốt công tác tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức cho đồng bào về việc không di cư tự do trái phép, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo kích động. Đặc biệt, cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc tại khu dân cư… Đại biểu của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới thì cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thực thi nghiêm minh pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình để tăng sức răn đe. Trong công tác tuyên truyền cần chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về vi phạm các quy định của pháp luật; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật ngay ở khu dân cư… Đại biểu của Đồn Biên phòng Sêrêpôk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cần đa dạng hóa về nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức thành các câu lạc bộ phổ biến pháp luật lồng ghép với các buổi sinh hoạt tại cơ sở; phát huy vai trò của cán bộ sử dụng được ngôn ngữ của dân tộc tại chỗ, tổ chức tuyên truyền bằng hai thứ tiếng, thực hiện tốt bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương) để hiểu được phong tục tập quán. Từ đó các cơ quan hữu quan có biện pháp tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân vùng biên giới về vi phạm pháp luật. Theo Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian tới, các đơn vị thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” cần phát huy những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Từ tình hình thực tế của mỗi địa phương mà chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, lực lượng vũ trang cần đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể, khả thi, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nhận thức, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, nhất là tình trạng di cư ngoài kế hoạch, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Tuấn Anh