Bà con dân tộc Mường ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình Ảnh: Hải Yến/TTXVN |
Tỉnh Ninh Bình hiện có 1.490/1.674 thôn có nhà văn hóa (chiếm 89%); 920/1.674 thôn, bản xóm có khu thể thao. Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã tập trung rà soát, bố trí quỹ đất để xây dựng các nhà văn hóa thôn, xóm. Công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của các nhà văn hóa được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Mặc dù đời sống nhiều địa phương còn khó khăn, khi có chủ trương làm nhà văn hóa, phần lớn bà con đều hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công xây dựng. Nhiều cá nhân đã tự nguyện đóng góp thêm tiền hoặc hỗ trợ các thiết bị cho nhà văn hóa. Chính quyền các cấp đã tích cực huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương, con em xa quê thành đạt cùng chung tay xây dựng nhà văn hóa. Nhờ đó, nhiều nhà văn hóa đã được xây dựng với mức đầu tư từ 300 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/công trình.
Là một trong những điểm sáng trong đổi mới phương pháp quản lý và hoạt động nhà văn hóa, xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) đã có nhiều cách làm sáng tạo thu hút, khuyến khích người dân ủng hộ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm và tích cực sinh hoạt tại nhà văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng Đinh Khắc Thủy cho biết, xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bà con đã hồ hởi tham gia, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng các thiết chế văn hóa ở thôn. Hiện nay, 13/13 thôn của xã có nhà văn hóa; xây dựng khu thể thao trung tâm với kinh phí trên 40 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn hầu hết đều do nhân dân tự đóng góp. Có nhà văn hóa thôn, bà con có chỗ để sinh hoạt cộng đồng, nhiều chương trình tập huấn nông nghiệp được triển khai đến tận người dân. Nhà văn hóa còn là nơi vui chơi, giải trí của các cháu thiếu niên, nhi đồng, bà con trong thôn vào những ngày lễ tết, hội hè.
Nhà văn hóa thôn Thiện Hối, xã Gia Tân (huyện Gia Viễn), nhiều năm nay không chỉ là nơi hội họp của người dân mà còn là nơi giải trí bổ ích. Bên cạnh những hoạt động hội họp để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Quản lý nhà văn hóa thôn đã tận dụng cơ sở vật chất nơi đây để mở thư viện miễn phí phục vụ bà con trong và ngoài thôn.
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình Phạm Ngọc Văn, để nhà văn hóa thôn phát huy hết công năng, góp phần giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần trong xu thế hội nhập hiện nay, Sở phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về mặt quản lý Nhà nước, tập huấn nghiệp vụ, những kỹ năng trong việc tổ chức, quản lý, ban hành cuốn cẩm nang về cách tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nói chuyện chuyên đề để thu hút sự tham gia của người dân. Cùng với việc xây dựng mới và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, ngành văn hóa luôn chú trọng chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động, đưa các sản phẩm văn hoá phục vụ nhân dân về vùng nông thôn như tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn; chiếu phim lưu động; hướng dẫn củng cố hệ thống thư viện, tủ sách, phòng đọc tại các xã, thôn, bản.
Trong những năm qua, Sở đã luân chuyển 350.000 lượt sách, báo, tặng 5.000 bản sách cho thư viện cơ sở; phục vụ trên 124 nghìn lượt độc giả tại các địa phương; tổ chức các cuộc thi đấu thể dục, thể thao ở cơ sở. Hiện nay, Ninh Bình có 27% người dân nông thôn thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao; 22,3% gia đình thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở. Các đội, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập tự huy động, đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Hàng năm, duy trì các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở đến tỉnh, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, góp phần khơi dậy, giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây mới 236 nhà văn hóa thôn, 118 nhà văn hóa thôn được nâng cấp đạt chuẩn nông thôn mới. Các thôn đều có điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi trong khuôn viên nhà văn hóa. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nhằm nâng cao trình độ nhận thức, năng lực quản lý và kỹ năng tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, tập trung nâng cao chất lượng và hình thức hoạt động tại nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ kinh phí khuyến khích các thôn, xóm, bản xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng cơ chế huy động xã hội hóa, khuyến khích tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng đời sống văn hóa, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên tại nhà văn hóa./.
Hải Yến