Trường mầm non thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: baoxaydung.com.vn |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Trần Quốc Tuấn cho biết: để tạo điều kiện thuận lợi cho thầy trò bước vào một năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp đã xuống cấp, cần sửa chữa, xây mới; kiểm tra trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy để có hướng sửa chữa, bổ sung kịp thời. Ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện huy động nguồn vốn triển khai đề án xây dựng, sửa chữa, cải tạo và bổ sung trang thiết bị giáo dục cho các trường, đặc biệt là các trường ở vùng khó khăn.
Cụ thể số lượng hạng mục các công trình giáo dục đang được xây mới, cải tạo, sửa chữa trên địa bàn tỉnh đã và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019 là 1.891 hạng mục công trình. Trong đó, xây mới và sửa chữa 1.209 phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc; 599 công trình nhà vệ sinh, bếp và nhà ăn; 83 phòng nội trú, bán trú và nhà đa năng.
Cùng với việc tập trung xây dựng, tu sửa trường, lớp học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát số lượng sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để cân đối một phần ngân sách sự nghiệp giáo dục được giao mua sách giáo khoa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo tiết kiệm, hợp lý; vận động học sinh giữ gìn bộ sách giáo khoa để quyên góp, ủng hộ nhà trường khi kết thúc năm học…Các nhà trường cũng chủ động sửa chữa phòng học và bổ sung, thay thế các trang thiết bị dạy học cũ, hỏng để đảm bảo cho hoạt động dạy và học trong năm học mới đạt hiệu quả cao. Thầy giáo Lý Văn Luận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Văn An, huyện Văn Quan cho biết: Trường đã khẩn trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp, đồng thời rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa bàn ghế, rà soát hệ thống điện, giúp các em có điều kiện học, đọc sách tốt hơn.
Mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học nhưng số lượng phòng học bán kiên cố và phòng học mượn, phòng tạm còn nhiều, chiếm đến 30,6%, nhất là tại các trường ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Trần Quốc Tuấn, thời gian tới, ngành tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội đầu tư, hỗ trợ các nhà trường bổ sung, tu sửa cơ sở vật chất của ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Ngọc Tùng