Dạy và học tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận An (Đắk Mil). Ảnh: baodaknong.org.vn |
Theo đó, trong hai năm học 2019 – 2020 và 2020 – 2021, Đắk Nông sẽ giảm 33 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở (THCS), 1 trường trung học phổ thông (THPT), và 2 trung tâm trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Huyện Đắk Mil là địa phương giảm số trường nhiều nhất với 4 trường tiểu học, 2 THCS, và thực hiện thí điểm mô hình quản lý liên trường đối với trường THPT Đắk Mil và trường THCS – THPT Dân tộc nội trú Đắk Mil.
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có ít lớp học (dưới 10 lớp), trang thiết bị phục vụ dạy học dàn trải; việc quản lý, giám sát công tác dạy học khó khăn. Sỹ số học sinh bình quân các cấp học đều thấp hơn quy định chung của cả nước (tiểu học 30 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35; trung học cơ sở là 37 học sinh/lớp, trong khi quy định là 45; trung học phổ thông là 39 học sinh/lớp, trong khi quy định là 45).
Cũng theo đề án, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường lớp sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo thực hiện tinh gọn bộ máy. Đắk Nông cũng đặt mục tiêu của đề án vừa tạo thuận lợi để đầu tư lớp học, thiết bị dạy và học đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện, đồng thời phát triển giáo dục vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước khi thực hiện đề án sắp xếp, toàn tỉnh Đắk Nông có 387 trường học với 5.324 lớp và hơn 172.000 học sinh. Toàn tỉnh cũng có gần 11.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Mấy năm gần đây, tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non là một trong các vấn đề bức thiết nhất của ngành giáo dục Đắk Nông. Năm học 2018 – 2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho ký hợp đồng gần 400 giáo viên mầm non để giải quyết nhu cầu dạy và học. Được biết, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang hoàn thiện đề án để phân bổ hơn 600 biên chế giáo viên vừa được Bộ Nội vụ phân bổ cho ngành giáo dục Đắk Nông.
Hưng Thịnh
TTXVN