Từng là huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Nam Giang phát triển vượt bậc và đổi thay đến không ngờ.
Huyện Nam Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương, dựa vào cộng đồng người Cơ-tu tại xã Tà Bhing. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến Nam Giang là hệ thống giao thông được xây dựng khá đồng bộ và thuận tiện, kết nối tới tất cả các xã trong huyện. Trên đường đi là từng đoàn xe chở đầy sắn, ngô, khoai… hối hả ngược xuôi. Những ngôi nhà kiên cố, chợ và hàng quán san sát dọc hai bên đường như minh chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Nam Giang, năm 2019 vừa qua, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn đạt gần 248 tỷ đồng (tăng 5,22% so với năm 2018); tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt trên 487 tỷ đồng (tăng 16,6% so với năm 2018); tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 424 tỷ đồng (tăng hơn 22,5% so với năm 2018)… Toàn huyện có 26 trường học các cấp; tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non đạt 100%, tiểu học đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt mức độ 2… Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào được đảm bảo với 100% số dân tham gia Bảo hiểm y tế…
Đến với thị trấn Thạnh Mỹ, đô thị trung tâm huyện Nam Giang, chúng tôi thực sự bất ngờ với những đổi thay ở nơi đây. Nhà cửa, trường học, công trình công cộng… được xây dựng khá khang trang. Đường Hồ Chí Minh đi qua trung tâm thị trấn giúp người dân phát triển giao thương, kinh doanh dịch vụ du lịch. Ông Lê Văn Dũng, 70 tuổi ở thôn Dung vui vẻ chia sẻ: “Trước ngày đất nước thống nhất, đời sống đồng bào nơi đây nghèo lắm! Sau khi hệ thống giao thông được nâng cấp, chúng tôi có cơ hội tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các mô hình dịch vụ du lịch, đời sống cải thiện rất nhiều. Tôi chưa bao giờ hình dung được cuộc sống như ngày hôm nay”.
Theo ông Chờ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, để đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, huyện sẽ tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới du lịch, làng nghề… Phấn đấu trong năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn đạt trên 261 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 574 tỷ đồng; tổng giá trị dịch vụ - thương mại đạt trên 513 tỷ đồng…
Trịnh Bang Nhiệm – Trần Tĩnh – Đỗ Trưởng