Nhờ khí hậu, đất đai ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang hợp với cây lê nên cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động đồng bào mở rộng diện tích trồng lê. Đến nay, toàn xã có gần 60 ha lê, mang lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào. Ảnh: Vũ Quang Đán |
Theo ông Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Na Hang, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025; triển khai Đề án của UBND huyện về phát triển một số cây trồng hàng hóa (Lúa nếp đặc sản, đậu tương, đậu xanh, rau sạch) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời đẩy mạnh khai thác tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư phát triển dịch vụ du lịch...
Chè Shan Tuyết ở huyện Na Hang có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh. Chè Shan Tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang. Ảnh: Vũ Quang Đán |
Na Hang đang đổi thay từng ngày. Hết năm 2018, toàn huyện đã có 2 xã là Năng Khả và Côn Lôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại trong huyện đạt từ 10 - 15 tiêu chí; thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người; 89,1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,97%... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện được cấp nhãn hiệu như: Cá sạch Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, chè Shan Tuyết Na Hang, chè núi Kia Tăng... Na Hang cũng đang từng bước trở thành trung tâm kết nối vùng du lịch của huyện Bắc Mê (Hà Giang) và Ba Bể (Bắc Kạn).
Năm học 2018 - 2019, tập thể Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Na Hang được tặng thưởng danh hiệu Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2018 - 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Na Hang trong giờ học văn hóa. Ảnh: Vũ Quang Đán |
Đến với Hồng Thái, xã đạt 15/19 tiêu chí trong xây dựng NTM, chúng tôi gặp ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã. Không giấu nổi niềm vui, ông hào hứng chia sẻ: Với gần 60 ha lê, hơn 60 ha chè Shan Tuyết, 30 ha chè Phúc Vân Tiên và gần 5 ha rau trái vụ… Hồng Thái đang dần trở thành vùng nông sản sạch của huyện Na Hang. Thu nhập bình quân trong xã đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,4%…
Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của thị trường, những giá trị truyền thống ngày càng bị mai một. Thế nhưng, người Tày ở huyện Na Hang vẫn giữ được những khung cửi, những đường nét tinh tế của nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Vũ Quang Đán |
Nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Na Hang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Na Hang. Ảnh: Vũ Quang Đán |
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, Hoàng Anh Cương cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản… Huyện cũng sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị loại V tại trung tâm các xã Yên Hoa, Đà Vị; nâng cấp thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đưa thị trấn Na Hang trở thành thị xã vào năm 2020.
Vũ Quang Đán
Báo in tháng 9/2019