Nhiều ngôi nhà sàn khang trang được người dân xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đầu tư xây dựng. Ảnh: dic.gov.vn |
Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Đầu tháng 6/2018, Mường Phăng đã đạt 16/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 3 tiêu chí mà địa phương phấn đấu đạt được để đưa xã Mường Phăng về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 gồm: Tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về hộ nghèo, tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Do địa bàn chủ yếu là đồi núi, dân cư sống rải rác tại nhiều thôn, bản; kinh tế địa phương thuần nông với xuất phát điểm thấp; mặt bằng dân trí không đồng đều nên Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ cấp thôn, bản với sự tham gia tích cực của người dân. Do đó, công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của "chủ thể" trong xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền coi là nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi chương trình.
Khi đề án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động đến nhân dân một cách sâu rộng với nhiều hình thức, phong trào như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xóa nhà tạm”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Người dân các dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú, Kinh… trên địa bàn xã đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng, nhiều gia đình đã đóng góp sức người, sức của, đặc biệt là việc hiến đất, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên bản, kết nối mạng lưới giao thông trên địa bàn thông suốt, đảm bảo việc đi lại, trao đổi thông thương hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Mùa A Kềnh cho biết thêm, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, địa phương thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng và cấp tỉnh để bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt từng vùng, miền. Đồng thời, Mường Phăng rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã.
Đến nay, diện mạo kinh tế nông thôn ở Mường Phăng đã có những thay đổi đáng kể. Tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn 2.560 tấn/năm, bình quân đầu người đạt 5,3 tạ/người/năm, người dân ở các thôn, bản không còn phải thiếu đói vào những tháng giáp hạt. Xã còn trồng được khoảng 300 ha cây lấy bột (sắn, ngô, rong giềng…), gần 40 ha rau màu, 25 ha cây ăn quả, hơn 63 ha nuôi thủy sản… tạo nguồn lương thực tại chỗ bền vững và xuất ra ngoài thị trường. Ngoài chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế bằng các mô hình nuôi cá thương phẩm; nuôi lợn rừng, nhím; trồng cây hồng xiêm, mắc coọc, mận.., địa phương còn chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế, nhất là khai thác tiềm năng du lịch. Những năm qua, du khách trong và ngoài nước đến Mường Phăng ngày càng đông; những dịp 30/4, 1/5, 7/5 hằng năm, Mường Phăng đón hơn 2.000 lượt du khách/ngày, chiếm gần 40% khách du lịch đến với Điện Biên trong các ngày lễ lớn.
Nông dân xã Mường Phăng làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa. Ảnh: Xuân Tư |
Được thụ hưởng thành quả của chương trình nông thôn mới, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn được cải thiện và nâng cao; nhà ở, các phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt được xây dựng, mua sắm mới ngày càng nhiều. Việc triển khai đồng bộ các dự án, chính sách hỗ trợ trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường… đã giúp đời sống của người dân cải thiện, đổi thay rõ nét. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn xã đạt hơn 91%.
Xã đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở với 20/26 thôn, bản đạt bản làng văn hóa; hơn 710 hộ đạt danh hiệu “5 không 3 sạch” (chiếm hơn 64% số hộ toàn xã). Nhiều bản làng văn hóa truyền thống của người Thái được bảo tồn, phục dựng thành công và trở thành "kiểu mẫu" trong phát triển du lịch cộng đồng; các nghề rèn, dệt thổ cẩm được phục dựng, bảo tồn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. So với những năm trước, đời sống của người dân Mường Phăng hôm nay đã đổi thay, nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là hơn 43% thì nay giảm xuống còn dưới 18%.
Xã phấn đấu cuối năm 2018 đạt chuẩn nông thôn mới với việc hoàn thành 3 tiêu chí còn lại, tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, thu nhập tăng lên 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 12%. Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đến các thôn, bản; huy động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật về sản xuất và phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng gần 70 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền sâu rộng để tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của người dân địa phương; huy động tối đa nguồn lực để xây dựng các công trình đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa và các hạng mục đầu tư khác. Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền địa phương sẽ gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức xã được phân công nhiệm vụ với công tác đánh giá, xếp loại cuối năm để nâng cao chất lượng công việc; xử lý nghiêm những trường hợp không làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xuân Tiến- Hải An