Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 6/12, mưa lũ đã làm 5 người chết (Thừa Thiên - Huế 3 người, Sóc Trăng 2 người); 31 căn nhà ở An Giang bị sập và tốc mái; 2.903 nhà bị ngập (Thừa Thiên - Huế, Phú Yên), hiện nước đã rút hết; 10,3 ha lúa gieo sạ, 4 ha cây cảnh và 620,3ha hoa màu, 1,5 ha ao nuôi cá bị thiệt hại (Quảng Nam).
Tại tỉnh Hà Tĩnh, tuyến QL8A đoạn từ xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở khoảng 500m3 đất đá, đã thông tuyến chiều 5/12.
Tỉnh Quảng Nam sạt lở taluy dương đường Trường Sơn Đông gây tắc đường tại Km70-Km73 (đã thông xe một làn lúc 13 giờ ngày 5/12); tắc đường do ngập các tuyến quốc lộ 40B tại Km62+380, quốc lộ 14H tại K65+402, đường tỉnh 615 đoạn từ Km5+100-Km7+900.
Tỉnh Phú Yên sạt lở 7.000m3 mái ta luy dương gây bồi lấp toàn bộ mặt đường Quốc lộ 19C, tại Km143+650 thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh (đã thông xe một làn lúc 17 giờ ngày 4/12).
Bờ sông tỉnh Vĩnh Long bị sạt lở đất với chiều dài 500m, rộng 300m (sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) làm mất khoảng 37.721m2 đất, 11 căn nhà cấp 4 và nhiều tài sản, vật dụng khác. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 7 tỷ đồng. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, không để người dân đi vào khu vực nguy hiểm và tổ chức di dời 17 hộ dân với 80 người trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Để tiếp tục ứng phó với rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ vả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng tránh mưa lũ, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chia cắt, chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đã đầy nước.
Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ triển khai các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; tuyệt đối không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín gây nguy hiểm đến tính mạng người dân như tại một số địa phương trong những năm gần đây. Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết, kỹ năng phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; công tác đảm bảo an toàn chống rét cho đàn gia súc: vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
Các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, đồng thời tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai, khắc phục hậu quả, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thắng Trung