Hai ngày qua, mưa lớn liên tục khiến một số địa phương vùng trũng thấp ở Ninh Thuận bị ngập lụt. Mưa lũ khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc rãnh áp thấp nâng trục chậm lên phía Bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên trong 24 giờ qua qua, trên địa bàn có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 60-90mm, đặc biệt tại Lợi Hải là 123mm, Công Hải 160mm, tại Trạm thủy văn Ninh Hải 190mm.
Trên sông Lu tại Phước Hà và Phước Hữu đo điều tiết phòng lũ của hồ Tân Giang đang dao động ở mức báo động 2 đến báo động 3. Ở các lưu vực sông, mực nước có xu hướng tăng lên...
Tại vùng trũng thấp xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), mưa lớn khiến hơn 200 ha lúa gieo vụ Đông Xuân sớm bị ngập trong nước. Mưa lũ dâng cao, tràn vào khu chợ thôn Văn Lâm 3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời lũ tràn qua nhiều đoạn đường liên xã nối hai xã Phước Nam với Phước Dinh (huyện Thuận Nam), gây không ít khó khăn cho việc lưu thông của người dân.
Theo UBND huyện Ninh Hải, 439 căn nhà của người dân đã bị ngập lụt từ 40 cm trở lên. Địa phương đã di dời 65 hộ/138 nhân khẩu ở khu vực thấp trũng đến nơi an toàn. Mưa lũ đã làm hơn 600 ha lúa và hoa màu bị ngập trong nước; đồng thời nhiều đoạn kênh mương ở xã Xuân Hải bị sạt lở.
Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, hàng trăm nhà dân bị ngập trong nước từ 20-50cm, có nơi ngập sâu gần một mét. Một số hộ dân phải dùng máy bơm để hút nước từ trong nhà ra đường. Một số tuyến đường ở trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm như, Thống Nhất, 21/8… ngập nước, gây nhiều khó khăn cho giao thông.
Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mưa lớn những ngày qua đã làm tăng nhanh lượng nước ở các hồ chứa. Tính đến sáng 29/11, lưu lượng nước ở 22 hồ chứa đạt 295,94 triệu m3/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế.
Hiện nay đã có 17 hồ chứa lượng nước đã tràn tự do, trong đó, nhiều hồ buộc phải mở cửa van xả lũ với lưu lượng vừa phải nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ đập, an toàn vùng hạ lưu.
Trước tình hình mưa lũ kéo dài, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị, chính quyền các địa phương kịp thời thông tin cảnh báo đến tất cả đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó; đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo tại các tràn, tuyến đường ngập lụt, khu vực sạt lở…
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi, các chủ hồ thủy điện trên địa bàn theo dõi diễn biến mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ để kiểm tra chặt chẽ an toàn hồ chứa, thực hiện nghiêm quy trình vận hành để đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn cho vùng hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Ngành chức năng bố trí lực lượng canh gác tại các nơi xung yếu, nhất là hồ chứa đã đầy nước; chủ động kiểm tra, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là công trình xung yếu…
Công Thử