Mưa rào và dông kèm theo mưa đá nhỏ. Ảnh TTXVN phát |
Mưa đá kèm tố lốc đã làm tốc mái, nước tràn 354 nhà dân, trường học ở các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông, Ba Bể. Dù không có thiệt hại về người nhưng mưa lớn kèm theo gió làm một cây gỗ bị đổ vào người ông Trương Văn Sòi, xã Văn Vũ (huyện Na Rì) khiến ông bị thương nhẹ. Về nông lâm nghiệp, 0,7 ha lúa ở xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) bị vùi lấp. Huyện Na Rì có 16,3 ha lúa, 4,1 ha ngô bị hư hại và 3,8 ha cây thuốc lá bị dập, nát. Huyện Bạch Thông có hơn 18 ha lúa bị nước tràn, 25 ha cây thuốc lá bị dập, nát, thiệt hại hơn 70%. Huyện Ba Bể có hơn 80 ha lúa bị ngập, úng, lũ quét qua. Huyện Ngân Sơn có hơn 13 ha cây thuốc lá và hơn 5 ha ngô bị hư hại. Nước lũ dâng cao ở các sông, suối đã gây sạt lở 30m đường giao thông nông thôn, đổ một cột điện, hư hỏng hai máy tính ở các xã Văn Vũ, Văn Lang (huyện Na Rì); sạt chiều dài 15m đường giao thông thôn Nà Lồm, sạt 300m bờ ruộng tại huyện Bạch Thông; hư hỏng hai tấn xi-măng ở xã Khang Ninh (Ba Bể). Ngay sau khi nắm được tình hình, chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã tổ chức xuống kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Các lực lượng tại địa phương được huy động, hỗ trợ người dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, chăm sóc cây trồng bị thiệt hại. Văn phòng thường trực các cấp tổ chức trực ban theo quy định, liên tục cập nhật thông tin thời tiết, cảnh báo đến các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân để chủ động phòng tránh.
Nguyễn Mạnh Hà