Báo ảnh Dân tôc và Miền núi- Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu một số hình ảnh về các lễ hội này tới bạn đọc.
|
Sáng 1/2/2017 (tức mùng 5 tháng Giêng), Lễ hội kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn đã diễn ra tại Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu… cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, thành phố Hà Nội và đông đảo người dân tham dự lễ hội. Ảnh: Danh Lam- TTXVN |
|
Sáng 1/2/2017, tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, núi Dũng Quyết, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (05/1 Kỷ Dậu 1789 - 05/1 Đinh Dậu 2017) và Phát “Thẻ ấn - Quang Trung Linh Từ”. Đây là sự kiện nhằm tưởng nhớ, tôn vinh, ôn lại công lao sự nghiệp to lớn và những chiến công hiển hách của vị anh hùng dân tộc Quang Trung -Nguyễn Huệ. Ảnh: Bích Huệ- TTXVN |
|
Sáng 2/2/2017 (mùng 6 Tết Đinh Dậu), tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) diễn ra Lễ khai hội chùa Hương - Xuân Đinh Dậu 2017. Đây là lễ hội lớn nhất và được tổ chức trong thời gian dài nhất tại Việt Nam.Ảnh: Danh Lam-TTXVN |
|
Sáng 2/2/2017 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính năm 2017. Dự lễ khai hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương. Ảnh: TTXVN |
|
Sáng 2/2/2017 (mồng 6 Tết), đông đảo người dân và du khách gần xa đổ về sân đình làng Thủ Lễ thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự hội vật truyền thống Thủ Lễ 2017. Hội vật năm nay quy tụ gần 100 đô vật thiếu niên và thanh niên trong và ngoài huyện Quảng Điền tham gia tranh tài. Đây là hội vật có lịch sử hình thành gần 400 năm; được được duy trì và phát triển đến nay. Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN |
|
Sáng 2/2/2017 (mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa, nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức Lễ khai hội Cổ Loa và dâng hương tưởng nhớ công đức vua An Dương Vương, người có công đắp lũy, xây thành chống giặc ngoại xâm, khai sinh ra nước Âu Lạc. Ảnh: TTXVN |
|
Sáng 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), lễ kỷ niệm 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2017 do huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức, đã tưng bừng diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo Trung ương, Hà Nội và đông đảo nhân dân đến tham dự. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 2/2 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên, nghi thức chém lợn giữa sân đình đã được đưa vào khu vực kín đáo làm thịt tế thánh, không tổ chức nghi lễ chém lợn ngay giữa sân đình gây phản cảm, kích động bạo lực như những năm trước. Nghi lễ này được mô phỏng hành động chém lợn rừng khao quân của vị tướng Lý Đoàn Thượng dưới triều Lý nhằm tôn vinh công lao của Thành hoàng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của các bậc tiền bối có công bảo vệ đất nước. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 2/2/2017, đã thành thông lệ, nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội đền Đuổm được tổ chức tại xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những Lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên trong dịp đầu xuân năm mới. Đền Đuổm thờ vị Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 2/2/2017 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra lễ hội Gióng đền Sóc. Lễ hội Gióng nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước từ thuở sơ khai. Ảnh: TTXVN |
|
Sáng 3/2/2017 (tức mùng 7 Tết Đinh Dậu), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền - lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Ảnh: TTXVN |
|
Đêm 3, rạng sáng 4/2/2017 (tức đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng), người dân và du khách thập phương lại nô nức về Nam Định đi chợ Viềng (xã Trung Thành và Kim Thái, huyện Vụ Bản) - phiên chợ “mua may bán rủi” mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần để cầu may, mở đầu một năm mới tốt lành. Được xem là phiên chợ cầu may nên nhiều người đến chợ sẽ chọn mua những món hàng được bày bán ở chợ để lấy may. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 4/2/2017, trong không khí phấn khởi đầu xuân năm mới Đinh Dậu - 2017, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là Lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc... Trong ảnh: Cùng trâu xuống ruộng cày tại lễ hội Lồng Tông. Ảnh: Quang Đán – TTXVN |
|
Ngày 4/2/2017, trong không khí phấn khởi đầu xuân năm mới Đinh Dậu - 2017, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là Lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc... Trong ảnh: Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ tạ ơn trời đất tại lễ hội. Ảnh: Quang Đán – TTXVN |
|
Ngày 4/2/2017 (tức 8 tháng Giêng Xuân Đinh Dậu), tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu với chủ đề "Ngưỡng vọng Tiền nhân". Diễn ra trong 2 ngày, lễ hội đón khoảng 500 diễn viên, nhạc công... tham gia phục vụ các chương trình nghệ thuật sử thi, đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, thi đấu môn thể thao dân tộc, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Đây là chuỗi hoạt động nhằm để tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân. Lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, bà con tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa về dự. Trong ảnh: Các hoạt động tại lễ hội đền Huyền Trân. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN |
|
Ngày 4/2/2017, con cháu dòng họ Vũ (Võ) ở mọi miền tổ quốc và du khách thập phương đã về khai hội làng tiến sỹ Mộ Trạch huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Lễ hội truyền thống của làng là dịp để con cháu tưởng nhớ công đức của cha ông cũng như tạo thêm động lực để các thế hệ nối tiếp truyền thống hiếu học của làng quê độc nhất vô nhị của cả nước. Trong ảnh: Du khách thập phương về dự lễ hội. Ảnh: Hiền Anh_TTXVN. |
|
Ngày 4/2/2017 (mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đông Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch cùng các Ban, ngành trung ương và các địa phương tổ chức khai mạc Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc 2017”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự chúc tết và tặng quà cho đông bào các dân tộc tham gia Ngày hội. Trong ảnh: Chọi dê tại Ngày hội. Ảnh: Thanh Hà – TTXVN |
|
Tối 4/2/2017, UBND thành phố Cao Bằng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đà Quận và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 5/2/2017 (tức mùng 9 Tết Đinh Dậu), Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng được tổ chức tại xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đua ngựa ở Gò Thì Thùng không phải là cuộc đua của vận động viên chuyên nghiệp mà là của người nông dân và ngựa đua là những con ngựa thồ. Trong ảnh: Ngựa bứt tốc để về đích. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN |
|
Tối 4/2/2017, tại huyện Mèo Vạc diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Đây là sự kiện nổi bật đầu tiên trong năm 2017 của tỉnh Hà Giang nhằm bảo tồn, khai thác, tái hiện các giá trị văn hóa và tạo sân chơi rộng lớn cho dân tộc Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến với ngày hội, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động như thi đánh yến, thi cuộn và dệt vải lanh, đan quẩy tấu… thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào như mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp... cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông. Du khách còn được chứng kiến màn múa khèn tập thể của gần 200 đôi nam, nữ thanh niên người dân tộc Mông; được xem Lễ hội vỗ mông, đây là nét văn hóa vô cùng độc đáo và duy nhất chỉ có trong cộng đồng người Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong ảnh: Các gia đình dân tộc Mông tham gia Hội thi “Gia đình dân tộc mông với trang phục truyền thống” tại Ngày hội. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN. |
|
Ngày 5/2/2017 ( tức mùng 9 tết Xuân Đinh Dậu), tại Di tích thắng cảnh Quốc gia Động Tiên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) diễn ra Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên năm 2017. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang với ước nguyện về một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc và quảng bá những sản phẩm nông sản truyền thống của địa phương. Trong ảnh: du khách tham gia trò chơi leo cột tại lễ hội. Ảnh: Quang Cường- TTXVN |
|
Ngày 5/2/017 (tức ngày mồng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng năm 2017 gắn với Lễ hội Chùa Tân Thanh. Đây là Lễ hội đầu tiên trong chuỗi các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Lạng Sơn năm 2017. Trong ảnh: Lễ khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2017. Ảnh: Doãn Hoàng Nam - TTXVN |