Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán cây rừng trên đỉnh núi có độ cao 1900m đến 2000m so với mặt nước biển. Ảnh: Dương Giang – TTXVN |
Theo Quyết định số 2465/QĐ-SHTT ngày 30/7 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ 2 xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), đến nay mở rộng thêm 7 xã gồm: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei) và các xã Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).
Như vậy, tỉnh Kon Tum có 9 xã được công nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh với tổng diện tích gần 17.000 ha.
Đến nay, Kon Tum phát triển được trên 300 ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông. Kon Tum cũng đã quy hoạch được trên 31.700 ha trồng sâm Ngọc Linh, trong đó, diện tích vùng lõi có khả năng trồng sâm gần 17.000 ha.
Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum sẽ đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn, tạo thương hiệu quốc gia về sâm Ngọc Linh. Đến năm 2025, Kon Tum phấn đấu trồng hết diện tích khoảng trên 9.000 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp. Hàng năm, khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh, đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu.
Quang Thái