Mô hình “gắn kết hộ” giúp bà con vùng biên thoát nghèo

Mô hình “gắn kết hộ” giúp bà con vùng biên thoát nghèo
Hộ anh Vũ Đình Trung (quê Thanh Hóa) nay đang định cư ở khu gia đình đội 1 kết nghĩa với hộ anh Điểu Thái, dân tộc S’tiêng ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp được hơn 6 năm. Họ rất phấn khởi vì cuộc sống đã ổn định hơn trước.

Năm  200, từ Thanh Hóa vào tỉnh Bình Phước, anh Vũ Đình Trung được tuyển vào làm công nhân cạo mủ cao su. Hiện anh đang cạo mủ tại đội sản xuất số 1. Lúc đầu, cuộc sống gia đình anh Trung trên vùng đất mới gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Năm 2013, gia đình anh được Trung đoàn 717 chọn là một trong 15 hộ làm thí điểm mô hình “gắn kết hộ” với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình anh đã tình nguyện kết nghĩa với gia đình anh Điểu Thái, dân tộc S’tiêng ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.

Anh Trung phấn khởi cho biết: “Lúc đầu vào Bình Phước lập nghiệp, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn lắm. Sau khi được chọn vào mô hình “gắn kết hộ”, trong những ngày đầu, anh rất bỡ ngỡ với phong tục, tập quán của bà con S’tiêng. Dần dần, hai gia đình đi lại, cùng nhau chia sẻ về cuộc sống, phong tục tập quán nên ngày càng hiểu và gắn bó với nhau hơn. Từ đó, hai gia đình thường xuyên chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su”.

Anh Điểu Thái cũng không giấu niềm vui khi nói về tình cảm của gia đình anh Trung. Anh Điểu Thái chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Đặc biệt, từ khi tham gia vào mô hình “gắn kết hộ” gia đình, gia đình tôi và gia đình anh Trung mỗi khi có công việc, dù vui hay buồn vẫn thường trao đổi, giúp đỡ, động viên nhau. Chúng tôi xem nhau như những người thân trong gia đình”.

Chị Lâm Thị Ngọc Lợi, dân tộc Khơme, không bao giờ quên trước đó cuộc sống luôn trong vòng luẩn quẩn của cái nghèo. Những lúc trong làng, trong xóm có lễ hội, cưới xin… là bỏ bê công việc để ở nhà đi lo việc làng, việc xã. Đi làm bữa được, bữa mất, đất sản xuất ít lại không biết cách làm ăn, nhiều hộ quanh năm vẫn nghèo đói. Từ ngày có mô hình “gắn kết hộ”, nhiều hộ như gia đình chị Lợi được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su, tận dụng nguồn đất của gia đình để trồng rau, nuôi gà, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cuộc sống dần được cải thiện hơn trước.

Chị Lợi phấn khởi cho biết: Gia đình chị kết nghĩa với gia đình anh Trương Xuân Định ở khu định cư đội 1. Hai gia đình thường xuyên đi lại, trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi. Hiện gia đình chị đang nhận cạo mủ trên 1.000 cây cao su cho Trung đoàn. Ngoài ra, chị còn tận dụng quỹ đất trống của gia đình trồng hơn 300 nọc tiêu. Hiện tiêu đang cho thu hoạch. Gia đình  cũng chăn nuôi bò và dê để tăng thêm thu nhập. Từ một hộ kinh tế khó khăn, gia đình chị đã xây được nhà kiên cố, tiện ghi đầy đủ và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Cùng với những đóng góp tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ an ninh, trật tự trên địa bàn, mô hình “gắn kết hộ” của Trung đoàn 717 còn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2013, gia đình anh Điểu Hào, dân tộc S’tiêng, ở thôn 1, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, được gắn kết với gia đình anh Phạm Thanh Ba khu gia đình sản xuất 1. Hào ít tuổi hơn nên xem anh Ba như anh em ruột thịt trong nhà. Từ ngày kết nghĩa, hai anh em thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống. Anh Ba giúp đỡ về kỹ thuật cạo mủ cao su, hỗ trợ gia đình anh Hào cách trồng và chăm sóc tiêu kết hợp nuôi dê sinh sản. Hiện, anh Điểu Hào đang nhận hai suất cạo mủ cao su của Trung đoàn 717 với gần 2.000 cây, mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh, vợ chồng anh chăm sóc 200 nọc tiêu, kết hợp nuôi dê sinh sản. "Nhờ anh Ba chỉ cách làm ăn, chi tiêu hợp lý, chúng tôi đã xây được nhà kiên cố, lo cho con ăn học và mua sắm được các vật dụng như ti vi, xe máy, tủ lạnh…", anh Điểu Hào chia sẻ.

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 717, huyện Bù Đốp là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn nhiều khó khăn. Năm 2013, Trung đoàn đã tổ chức lễ kết nghĩa giữa 15 hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số với các nội dung như: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tuyệt đối không nghe kẻ xấu kích động; đoàn kết trong cộng đồng dân cư; kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa các tệ nạn xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

“Sau khi kết nghĩa, đời sống các hộ đồng bào dân tộc được nâng lên, các hủ tục trong cuộc sống, sinh hoạt dần được thay đổi. Đến nay, 35 hộ công nhân gia đình người dân tộc Kinh và 35 hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiếu số đã kết nghĩa giúp đỡ nhau về mọi mặt, tạo sự đoàn kết “như cây một cột, như con một nhà”, Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên cho biết thêm.

Hiện nay, Trung đoàn 717 đang nhận chăm sóc trên 2.481 ha cao su, tạo việc làm cho 1.020 lao động, trong đó có 415 đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, bà con nắm vững và áp dụng thành thạo các kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su và đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển; từng bước đẩy lùi những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, góp phần cùng địa phương ngày một phát triển.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm