Cô đỡ H’Rúh (bên trái) ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) tuyên truyền, hướng dẫn thai phụ kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Cô đỡ Thị Loan ở xã Quảng Trực (Tuy Đức), được đào tạo và đảm nhận vai trò cô đỡ thôn bản từ năm 2007, đến nay, công việc chính của chị là tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, quản lý thai nghén, tham gia các hoạt động y tế khác tại địa phương... Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay, kiến thức, kỹ năng thực hành đỡ đẻ của chị đã mai một rất nhiều.
Bên cạnh những hạn chế trong công việc, đời sống của nhiều cô đỡ hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Bởi ngoài mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng từ chương trình, các cô đỡ không có thêm một khoản thu nhập nào khác. Với số tiền đó, họ không đủ chi trả cho các hoạt động hàng ngày như xăng xe để đi đến nhà người dân tuyên truyền vận động, đi giao ban ở trạm y tế xã.
Thực tế cho thấy, do mức thù lao quá thấp, công việc vất vả, đi lại khó khăn... nên một số cô đỡ thôn bản đã bỏ nghề, không còn hoạt động. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã có 9 cô đỡ bỏ nghề, chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của các huyện Tuy Đức và Đắk Glong.
Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Nông thì ngoài chế độ hỗ trợ, vấn đề lựa chọn và đào tạo người dân, những bà mụ trở thành cô đỡ cũng là một trong những khó khăn lớn, bởi không phải ai cũng có đủ trình độ tiếp nhận kiến thức để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong khi đó, điều kiện tuyển cô đỡ thôn bản phải là người đồng bào dân tộc thiểu số, đang sống tại các thôn bon thuộc vùng khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, có tỷ lệ sinh tại nhà cao...
CẦN CÓ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ XỨNG ĐÁNG
Được triển khai thực hiện từ năm 2005, đến nay, mô hình cô đỡ thôn bản đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần xóa những thôn, bon “trắng” về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ tiếp cận tốt với các dịch vụ sinh nở an toàn.
Với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn bản, các hoạt động quản lý thai sản tại cộng đồng như tư vấn, hướng dẫn bà mẹ đi khám thai và quản lý thai; phát hiện sớm các trường hợp thai bất thường, kịp thời hỗ trợ chuyển tuyến trên; hỗ trợ chăm sóc bà mẹ sau sinh tại hộ gia đình và tư vấn kế hoạch hóa gia đình... được triển khai sâu rộng, hiệu quả.
Các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản năm sau đều đạt cao hơn năm trước. Theo thống kê, trong năm 2015, tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 82,6%, tăng 1,4% so với năm trước; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt 90,5%, tăng 0,2%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 79%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc hậu sản đạt 81%.... Đặc biệt, ngoài việc tham gia công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, các cô đỡ còn tích cực hỗ trợ các trạm y tế thực hiện tốt các chương trình y tế tại địa phương.
Có thể nói, mô hình cô đỡ thôn bản là giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình cô đỡ thôn bản cũng đang cần được “tiếp sức” thì mới có thể hoạt động hiệu quả, lâu dài. Vì vậy, thiết nghĩ, về phía ngành Y tế cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của cô đỡ thôn bản từ công tác đào tạo, tập huấn đến chế độ đãi ngộ, nguồn lực...
Bên cạnh đó, ngành cần tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, xã hội giúp đỡ một phần kinh phí cho các cô đỡ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm công tác. Các hoạt động biểu dương, khen thưởng cô đỡ có thành tích xuất sắc cũng cần được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời động viên, khích lệ, góp phần giúp các cô đỡ có thêm động lực để tiếp tục phát huy năng lực, nhiệt huyết trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Báo Đắk Nông