Mang hơi ấm đến với những thiên thần sơ sinh

Người bố, mẹ thứ hai

Mặc dù bận rộn, mệt nhoài với công việc chăm sóc và điều trị người bệnh, nhưng đều đặn hơn một năm nay, sau khi xong ca trực, các y, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh không quên đến bên chiếc nôi nhỏ đặt ở một góc phòng trực của Khoa - nơi "con trai", tên gọi thân mật mà cả Khoa đặt cho cậu bé không tên là con mẹ H’Hương bị bỏ rơi, để bế và vỗ về cháu bé với tình yêu thương đong đầy như chính con ruột của mình.

Lúc chào đời, bé trai chỉ nặng 1,6 kg với tiên lượng bệnh nặng tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Sau sinh, bé được chuyển qua chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh với chẩn đoán nhiễm trùng huyết sơ sinh, viêm phổi, sinh non nhẹ cân, đa dị tật bẩm sinh, suy hô hấp độ 3, nguy cơ tử vong cao. Trong thời gian cháu nằm viện không có thân nhân chăm sóc. Đến ngày 27/12/2022, mẹ cháu có mặt và viết giấy để lại Khoa với lý do, mẹ đơn thân, gia đình khó khăn, không có khả năng nuôi nên nhờ các bác sỹ chăm sóc cháu.

Không thể để đứa trẻ chết non vì bệnh tật, đau yếu, không người thân thích, các y, bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa đã chung tay chăm lo chăm sóc cho cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, cái quần, cái áo. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã rất khó khăn, thế nhưng, để chăm sóc đứa trẻ mang trong mình nhiều bệnh lý lại khó ăn, khó uống, đòi hỏi sự kiên trì. Dù vậy các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa luôn sắp xếp thay phiên nhau. Sau hơn 1 năm, sức khỏe của cháu bé đã cải thiện, nặng hơn 5kg.

Tranh thủ thời gian làm việc để đút bột cho “con trai”, hộ lý Lê Thị Ánh Tuyết, Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh chia sẻ, anh chị em trong Khoa thay phiên nhau để chăm sóc cháu. Dù cháu bị bệnh khó ăn, khó nuốt nhưng mọi người luôn cố gắng để cháu được ăn tốt hơn. Cháu thiệt thòi nhiều, không có mẹ nên toàn bộ nhân viên của Khoa đều yêu thương cháu nhiều hơn.

Điều dưỡng Bùi Thị Thu Hương cho biết, đặc thù của Khoa là chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị bệnh nặng, từ việc ăn, ngủ, uống thuốc… đảm bảo cho trẻ được chăm sóc tốt nhất. Hàng năm, vẫn có những trẻ bị bỏ rơi, đôi khi là trẻ sinh non, nhẹ cân, mang nhiều bệnh tật. Các cháu rất thiệt thòi, không có tình thương của cha mẹ. Do đó, nhân viên y tế, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng đều cố gắng chăm sóc trẻ để bù đắp những thiếu thốn mà các bé phải gánh chịu, từ đó được phát triển toàn diện.

Theo lãnh đạo Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, trung bình mỗi năm, Khoa đều tiếp nhận, chăm sóc, điều trị nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đa phần là những bé bị sinh non, mắc các dị tật bẩm sinh hoặc có bệnh lý nguy hiểm. Trong suốt quá trình chăm sóc, điều trị, Khoa cũng cố gắng liên hệ với người nhà bằng cách gửi thông báo qua đường bưu điện hoặc gọi điện thoại. Tuy nhiên, đa phần trẻ không có người thân đến nhận.

Bác sỹ H’El Niê, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, chia sẻ, năm 2023, Khoa tiếp nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong đó, có 2 trường hợp đã được làm thủ tục nhận nuôi. Các y, bác sỹ cố gắng hết sức để chăm sóc các cháu tận tình, chu đáo. Những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi không chỉ thiệt thòi về tình cảm, môi trường sống, chế độ chăm sóc mà việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan từ giấy khai sinh, bảo hiểm y tế... đến các thủ tục cho nhận nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, sữa, tã, bỉm và các vật dụng sinh hoạt cho trẻ đều do cán bộ, nhân viên y tế trong Khoa tự trích tiền túi để lo. Thời gian chăm sóc cũng được phân công theo lịch làm việc thường nhật. Ngoài ra, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nhóm thiện nguyện, Khoa cũng vận động được sự hỗ trợ bằng hiện vật của các nhà hảo tâm, tiếp thêm sức để cùng bảo vệ, chăm sóc và bù đắp cho những thiệt thòi, tổn thương của các con.

Mặc dù nỗ lực chăm sóc với mong muốn bù đắp một phần nào những thiệt thòi mà các cháu phải gánh chịu, nhưng các y, bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh vẫn ngày ngày đăng thông báo tìm kiếm người nhà cho các bé, bởi không đâu bằng hơi ấm gia đình mà các bé đáng được hưởng. Sự ấm áp, tình yêu của tập thể 54 “bố mẹ” mặc áo blouse trắng của Khoa dành cho các con phần nào xoa dịu những tổn thương mà các con đang gánh chịu.

vna_potal_mang_hoi_am_den_voi_nhung_thien_than_so_sinh_7218673.jpg
Y, bác sỹ, nhân viên y tế miệt mài, ngày đêm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhi sơ sinh được mạnh khỏe. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Tình yêu thương và trách nhiệm

Những ngày này, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh bệnh nhân chật kín giường, đến cả các lối đi hành lang cũng kín người nhà bệnh nhân. Là đơn vị cấp cứu các ca bệnh nhi nặng, mang trên vai sứ mệnh cao cả cứu giúp những thiên thần, các y, bác sỹ, nhân viên y tế đều tất bật với công việc khi các ca nhi nặng liên tục được chuyển vào, nhất là trong thời điểm tiết trời Tây Nguyên chuyển mùa.

Phòng Nhi sơ sinh, Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh đặc biệt hơn so với nhiều phòng khác. Tại đây, những em bé vừa sinh ra không may mắc bệnh nặng, sinh non, thiếu cân... buộc phải chăm sóc trong môi trường vô khuẩn với nhiều thiết bị kỹ thuật trên người.Mọi việc chăm sóc điều trị và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của các cháu đều được các bác sỹ và nhân viên bệnh viện đảm nhận. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, các bác sỹ và điều dưỡng ở đây đã và đang ngày đêm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhi sơ sinh để các cháu được mạnh khỏe.

Đang cẩn thận kiểm tra lại vị trí đặt ống bơm, thiết bị hỗ trợ và khăn tã cho từng bé, điều dưỡng Đặng Thị Bích Ngọc cho biết, ngày Tết, các y, bác sỹ đều cố gắng chăm sóc các cháu và động viên gia đình bệnh nhi. Có nhiều khó khăn, nhân lực Tết ít hơn ngày thường mà khối lượng công việc nhiều hơn từ việc cho ăn, tắm rửa, thay tã, bỉm, làm thuốc...

“Nếu trẻ bị nặng, nhân viên y tế phải bỏ lại hết công việc để hồi sức, cấp cứu cho bé. Bỏ bữa không ăn cơm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, dù trực Tết, mọi người đều thấy rất vui. Chỉ cần em bé khỏe, gia đình vui là chúng em vui”, chị Đặng Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Chị H’Dút Niê (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chị sinh non khi em bé mới chỉ được 8 tháng. Cháu chỉ nặng 2 kg và phải nằm điều trị tại phòng Nhi sơ sinh. Các y, bác sỹ tại Khoa chăm sóc chu đáo, tận tình. Chị rất cảm ơn sự chu đáo của nhân viên y tế tại đây.

Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Đơn nguyên sơ sinh, từ tháng 1 đến 11/2023 Khoa tiếp nhận trên 370 ca trẻ sơ sinh non tháng, trong đó, cân nặng của trẻ từ dưới 1 kg đến dưới 2,5 kg. Để chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng rất quan trọng và khó hơn trẻ sinh đủ tháng. Việc chăm sóc đòi hỏi cả tập thể chứ không riêng một người. Trẻ non tháng phải được chăm sóc toàn diện, toàn bộ, y, bác sỹ phải chăm sóc 24/24 giờ. Người nhà bệnh nhi không tham dự chăm cùng vì các trẻ nằm tại phòng hồi sức.

Trong những ngày Tết, nhân viên trong Khoa phân công công việc thay nhau trực 24/24 giờ. Trong một ngày chỉ có 2 bác sỹ, 6 điều dưỡng trực tại Khoa, do đó, công việc rất căng thẳng. Tại Khoa có nhiều bệnh nhi nặng, nếu lơ là sẽ rất nguy hiểm cho các cháu, thế nên các nhân viên y tế phải chia nhau, tập trung chăm sóc, hồi sức, cấp cứu kịp thời để ít gây tổn hạn nhất đến bệnh nhân. “Nghề mình đã chọn, mình theo và thấy yêu nghề. Khi cứu giúp mỗi đứa trẻ giành lại sự sống thì đó là niềm hạnh phúc của các thầy thuốc", Bác sỹ Toàn chia sẻ.

Xuân về, mang theo bao niềm hy vọng, bồi hồi. Có mặt ở nơi giành lại sự sống cho trẻ sơ sinh, chúng tôi như thấy thấm thía hơn bao giờ hết sự hy sinh của người làm ngành Y. Những hy sinh như vậy đang diễn ra từng ngày từng giờ bởi, trong bất kỳ bối cảnh xã hội nào, luôn tồn tại chân lý: "Cứu người là nhiệm vụ vinh quang".

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm