Ảnh minh họa - Sư thầy Thích Thiện Chiếu chăm bẵm từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. |
Tiền thân là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tiền Giang, được thành lập năm 1996, đến tháng 5/2009 trường được chuyển đổi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang. Hiện trung tâm có khoảng 20 cán bộ, giáo viên, trong đó có 13 thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp. Trang thiết bị còn thô sơ, đồ dùng dạy học còn thiếu nhưng trung tâm luôn mở rộng vòng tay đón các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không may mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển, khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ…
Hiện nay, hơn 100 trẻ được người nhà đưa đến trung tâm đều đặn 2-3 buổi một tuần. Vì không nuôi dạy trẻ bán trú, nên mỗi ca học, thầy cô giáo chỉ có thể dạy, chăm sóc cho từ 1-3 em. Điểm đặc biệt, tất cả các em nhỏ được đưa đến đây chữa trị không phải đóng một khoản học phí nào và còn được hỗ trợ một phần nhỏ chi phí đi lại.
Thời gian qua, ngoài chữa trị, can thiệp, hồi phục chức năng cho trẻ bị bệnh, dị tật, các thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang còn tổ chức dạy nghề cho trẻ, với các nghề như may vá, đan hạt vòng… Các thầy, cô giáo mong muốn, sau này khi hòa nhập xã hội, các em sẽ thành thạo một nghề để có thể tự trang trải cuộc sống. Ban Giám đốc Trung tâm còn liên hệ với các cơ sở sản xuất, công ty… để giúp các em có công ăn việc làm. Ông Trần Văn Đáng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, vừa rồi có 2 em được giới thiệu việc làm ở cơ sở may gia công, mỗi tháng thu nhập cũng được 3 - 4 triệu đồng.
Tùy theo mức độ và dạng tật của từng em mà các thầy, cô giáo có biện pháp can thiệp phục hồi khác nhau. Việc dạy học ở những lớp học trong môi trường đặc biệt này, đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có tấm lòng yêu thương trẻ nhỏ, sự kiên nhẫn và đức hy sinh.
Chị Lý Thị Thanh Thảo có con học tại Trung tâm chia sẻ: "Các cô ở đây dạy tốt, rất thương mấy bé. Thấy con nói chuyện được, mình mừng quá."
Một ngôi trường đặc biệt nằm sâu trong hẻm, ít người còn biết tới. Nhưng khi đã đặt chân đến đây, được tiếp xúc với các thầy, cô giáo, với các em nhỏ mới thấy được tình yêu thương ấm áp, sự cảm thông, đức hy sinh cao cả mà những thầy, cô nới đây vẫn hàng ngày dành cho các em.