Một vườn mắc ca ở Lộc Thành đang sinh trưởng và phát triển tốt. |
Ông Nguyễn Văn Khởi (thôn 7, xã Lộc Nam) cho biết: “Sau 7 năm, cây đã cao vống lên. Mình mà không “hãm” kịp, chiều cao của cây sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cà phê. Hiện, 3ha mắc ca của gia đình tôi đã bắt đầu cho trái bói”. Cũng như ông Khởi, năm 2009, bà Phan Thị Nghĩa (thôn 8, xã Lộc Nam) và ông Lê Văn Sơn (thôn 6, xã Lộc Nam), thông qua Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Đức Anh (gọi tắt là Công ty Đức Anh, có trụ sở chính tại Đắk Lắk) bắt đầu trồng xen mắc ca trong vườn cà phê. Bà Nghĩa trồng được 2,5ha, ông Sơn trồng 2ha.
Năm 2009 và năm 2010, Công ty Đức Anh đã triển khai cho nông dân 2 xã (Lộc Nam và Lộc Thành) của huyện Bảo Lâm trồng xen loại cây này trong vườn cà phê. Trong đó, Lộc Thành trồng 80ha và Lộc Nam trồng 42,7ha. Thời điểm trên, Công ty Đức Anh cung cấp 45.000 cây mắc ca giống cho nông dân 2 xã này, với giá 65.000 đồng/cây. Công ty trợ giá cho bà con nông dân dưới hình thức bán thiếu 50%. Khoản nợ này, nông dân sẽ thanh toán cho Công ty vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, Công ty Đức Anh còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng như đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con...
Ông Đào Duy Phi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, cho hay: “Địa bàn xã Lộc Nam có khoảng 100 hộ tham gia dự án trồng mắc ca với Công ty Đức Anh, với tổng diện tích 42,7ha. Nhưng trên thực tế, diện tích trồng mắc ca của Lộc Nam vào khoảng 55 - 60ha, vì về sau một số bà con tự phát trồng thêm”. Tương tự, Lộc Thành có 60 hộ tham gia mô hình trồng mắc ca. Hội Nông dân xã Lộc Thành đánh giá: mắc ca là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Mặc dù ít được chăm bón, nhưng mắc ca vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Theo tính toán của Công ty Đức Anh, trồng từ 7 - 10 năm, mắc ca bắt đầu cho năng suất ổn định. Lúc đó, 1 cây mắc ca có năng suất bình quân 25kg. Giá bán mắc ca hiện nay là 70 ngàn đồng/kg. Như thế, nếu chiết tính theo giá hiện tại, 1ha mắc ca trồng thuần (307 cây) cho lợi nhuận trên 537 triệu đồng và hơn 323 triệu đồng đối với những diện tích trồng xen (185 cây). Chưa kể, ở những diện tích trồng xen, 1ha cà phê (trong diện tích trồng xen với mắc ca) còn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Từ những tính toán này, bà Phan Thị Hồng Lâm - Giám đốc Công ty Đức Anh, khẳng định: “Mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao”. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam cũng thừa nhận, mắc ca có thể tận dụng trồng trên các loại đất xấu, độ dốc lớn, thiếu nước cục bộ, nguồn dinh dưỡng thấp, yêu cầu đầu tư chăm sóc không nhiều.
Tuy nhiên, ông Đào Duy Phi vẫn băn khoăn: “Thực ra, mắc ca đang là một loại cây trồng mang tính khảo nghiệm tại địa phương. Bởi vậy, chúng tôi khuyên bà con nông dân (những người có nhiều đất canh tác) chỉ nên trồng mắc ca ở những diện tích đất còn trống hoặc những diện tích trồng chè, cà phê bị thiếu nước cục bộ. Còn những bà con nông dân có ít đất sản xuất thì tuyệt đối không được phá bỏ vườn cà phê hoặc chè để trồng mắc ca”.
Hiện tại, nhiều vườn mắc ca của nông dân Lộc Nam và Lộc Thành đã cho trái bói, nhà nhiều thì 30 - 40kg, ít thì 3 - 4kg. “Tuy mới cho trái bói, chưa thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của loại cây này, nhưng tôi và nhiều hộ trồng mắc ca vẫn chưa thể yên tâm canh tác vì chưa có điểm thu mua tại địa phương”, bà Phan Thị Nghĩa tâm sự.
Trả lời cho vấn đề này, bà Giám đốc Công ty Đức Anh lý giải: “Do đang trong thời kỳ cho trái bói, sản lượng quả mắc ca chưa nhiều nên công ty chưa đặt điểm thu mua như đã cam kết trong dự án. Song, để bà con yên tâm canh tác, tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng một điểm thu mua mắc ca trên địa bàn xã Lộc Thành. Chúng tôi sẽ tính toán sao cho địa điểm thu mua mắc ca sẽ thuận lợi nhất cho cả nông dân 2 xã”.
Báo Lâm Đồng