Lò sấy cà phê gây ảnh hưởng cuộc sống người dân ở Đắk Nông

Lò sấy cà phê gây ảnh hưởng cuộc sống người dân ở Đắk Nông

Thời điểm này, tại các tỉnh Tây Nguyên, người dân đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Cùng với đó, các lò sấy cà phê của nhiều hộ gia đình, đại lý thu mua nông sản đi vào hoạt động. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân.

Theo đó, cà phê tại Đắk Nông thường chín rải rác từ tháng 10 và bắt đầu thu hái rộ từ tháng 11, 12. Cùng thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Lượng mưa nhiều khiến người dân không thể sử dụng ánh nắng tự nhiên để phơi cà phê nên người dân sử dụng các lò sấy. Tuy nhiên, lượng khói, bụi và tiếng ồn do lò sấy phát ra đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Tại huyện Đắk Mil, vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông, có 329 lò sấy, hầu hết các lò sấy đều nằm trong khu dân cư. Mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, các lò sấy này hoạt động liên tục, kéo theo lượng lớn khói bụi thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Trung bình, một lò sấy khoảng 14 tấn cà phê tươi với thời gian từ 10-12 giờ/ngày.

Người dân tại thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết, khi vào mùa, nhiều lò sấy của các hộ dân, đại lý thu mua hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, gây khó bụi ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, thời gian qua UBND huyện chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, gây ảnh hưởng môi trường. Huyện Đắk Mil cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra để các chủ lò sấy có những biện pháp khắc phục.

“Có nhiều người dân có lò sấy cà phê đã chấp hành, khắc phục như nâng cao ống khói nhằm hạn chế khói lan tỏa ra khu dân cư. Bên cạnh đó, một số cơ sở chủ động di dời ra khỏi khu dân cư. Thời gian tới huyện định hướng tất cả các cơ sở sấy cà phê phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp, tách biệt khu dân cư, tránh ảnh hưởng cuộc sống của người dân”, ông Hoàng cho biết.

Theo thống kê, niên vụ 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có hơn 130.000 ha cà phê, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn. Cà phê thường chín đồng loạt, do đó, nếu không phơi, sấy kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các lò sấy tự phát, tỉnh Đắk Nông cần tuyên truyền để người dân dần thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sấy hiện đại, giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, để tránh tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương thức sản xuất như hiện nay.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm