Cô giáo Điêu Thị Hính (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ét (Quỳnh Nhai, Sơn La) trong giờ dạy chữ Thái. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Theo phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tại LHQ, lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới 9/8 bởi LHQ muốn dấy lên hồi chuông báo động rằng, trong tổng số 7.000 ngôn ngữ địa phương hiện được dùng trên thế giới, trung bình cứ 4 trong 10 thứ tiếng có nguy cơ bị biến mất hoàn toàn.
Theo nhóm chuyên gia đặc biệt của LHQ, lý do “xây dựng đất nước” chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc kỳ thị các ngôn ngữ riêng của địa phương. Nhóm nghiên cứu cho biết những chính sách không phù hợp sẽ có thể hủy hoại cả một nền văn hóa hoặc thậm chí một tộc người, trong khi ngôn ngữ địa phương phong phú đã khiến con người được tự do biểu đạt, thể hiện giá trị, văn hóa và tính đại diện chính trị cho từng tộc người.
Các chuyên gia cùng với Báo cáo viên đặc biệt của LHQ được chỉ định để điều tra nghiên cứu vấn đề này đồng thời báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền LHQ và Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ, đã đề xuất các nước ủng hộ sáng kiến Một Thập kỷ Các Ngôn ngữ Bản địa. Đây là nỗ lực nhằm dành thời gian và các nguồn lực trong vòng 10 năm để khôi phục những ngôn ngữ địa phương đã mai một vì tương lai của các tộc người bản địa.
Theo Tuyên bố Đặc biệt của LHQ, các tộc người bản địa ở khắp nơi trên thế giới phải được thừa nhận, có quyền khôi phục, sử dụng, phát triển cũng như truyền lại ngôn ngữ của họ cho các thế hệ tương lai. Quan trọng hơn, họ phải có quyền trong việc thành lập và kiểm soát các tổ chức giáo dục, truyền thông, cũng như các cơ quan quản lý họ.
Hải Vân