Liên hoan có sự tham gia của 35 nghệ nhân, thanh đồng đến từ Thanh Hóa và các tỉnh. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Liên hoan mở đầu bằng hoạt động rước lô nhang từ Huyệt đạo thiêng Am Tiên về Phủ Nưa với sự tham gia của các đại biểu, các thanh đồng và người dân địa phương.
35 nghệ nhân, thanh đồng tham gia liên hoan là những người có thành tích xuất sắc, hiểu biết sâu sắc, thực hành thuần thục các nghi lễ, nghi thức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (đặc biệt là nghi lễ hầu đồng) của các Câu lạc bộ "Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt" ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh thành bạn. Trong không gian thiêng, với tiếng đàn, tiếng sáo, nhị réo rắt, những giai điệu du dương trầm bổng của các cung văn và phần biểu diễn thực hành của các thanh đồng đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo du khách và người dân địa phương. Mỗi giá chầu lại thể hiện một sắc thái với những nét đặc sắc riêng biệt, cuốn hút.
Mỗi giá chầu đồng thể hiện một sắc thái với những nét đặc sắc riêng biệt, cuốn hút. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Thanh đồng Trần Thị Huê, 77 tuổi đến từ huyện Cẩm Thủy cho biết: Liên hoan là hoạt động rất ý nghĩa, là dịp để những thanh đồng xứ Thanh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm qua đó nâng cao đời sống tinh thần và tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện đại.
Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết: "Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Thanh Hóa lần thứ 2 diễn ra với mong muốn để đông đảo công chúng hiểu hơn về nét đẹp của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc này. Liên hoan còn là dịp để người dân, những người thực hành tín ngưỡng nhận thức đúng giá trị di sản, từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt".
Trong 4 ngày tổ chức diễn xướng hầu đồng (từ ngày 13 - 16/4), các nghệ nhân, thanh đồng sẽ mang đến Liên hoan 112 giá đồng với các giá hầu nổi tiếng như: "Quan lớn đệ nhất", "Chúa Nguyệt Hồ", "Chúa bản đền", "Chầu đệ Nhị", "Chầu Năm", "Cô Chín", "Bà Triệu"... Sau mỗi buổi hầu, Ban tổ chức cùng các thanh đồng sẽ trao đổi về chuyên môn, góp ý với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại./.
Hoa Mai
TTXVN