Tối 15/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của cả nước, ngành Công Thương đã không ngừng lớn mạnh. Trong 5 năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,5%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 11,5%/năm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Công Thương đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 254,9 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ những kết quả trên, Phó Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao công lao, tài năng của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Các nghệ nhân không ngừng tiếp nối, truyền nghề cho thế hệ sau mà còn bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc, góp phần đưa các sản phẩm thủ công mang thương hiệu Việt Nam đến với thế giới như thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ…
“Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" là những người được trao truyền, lưu giữ tinh hoa nghề thủ công truyền thống, đồng thời luôn nỗ lực để duy trì, phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, Phó Chủ tịch nước nêu rõ.
Phó Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần triển khai sâu rộng, thiết thực các hoạt động hỗ trợ, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gắn với các chương trình quốc gia như: Khuyến công, xúc tiến thương mại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo các sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Các nghệ nhân góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, truyền cảm hứng và trao truyền nét tinh hoa và giá trị nghệ thuật cho thế hệ trẻ, gửi đi thông điệp hòa bình, hữu nghị, giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của đất nước, con người Việt Nam đến các nước trên thế giới.
Cùng với những thách thức đan xen các cơ hội khi triển khai hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước tin tưởng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng sẽ nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, không ngừng phát triển bền vững.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng lần này là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép của đất nước, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo sự đột phá mới cho sự phát triển của ngành hàng truyền thống đặc biệt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nghệ nhân phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp, giữ gìn và trao truyền giá trị nghề thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia…; đề xuất giải pháp hỗ trợ, hình thành liên kết sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo chuỗi giá trị bền vững gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các vùng, miền.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 5 cá nhân, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 72 cá nhân.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong những năm qua, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ; trở thành lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước. Trong đó, ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng, góp phần đẩy mạnh giá trị xuất khẩu của đất nước.
Đến nay, cả nước có gần 66.000 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có 81 làng nghề được công nhận. Khoảng 11 triệu lao động tham gia vào các nghề truyền thống, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2 lần so với lao động thuần nông. Các nghề thủ công mỹ nghệ có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ góp phần phát triển ngành du lịch, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Diệp Trương