Ngày 26/3, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Liên lạc Cựu tù binh Phú Quốc - Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 9, tỉnh Kiên Giang và gần 2.000 cựu tù chính trị, tù binh, thân nhân các anh hùng liệt sĩ trong cả nước tham dự lễ.
Ông Đinh Duy Điệp, Uỷ viên Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam ôn lại truyền thống đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, trong đó, có cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.
Ông Điệp bày tỏ: “Nhờ thắng lợi của Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, chúng tôi từ cõi chết được hồi sinh trở về trong vòng tay yêu thương của Đảng, của quân đội và quê hương. Sau ngày thoát khỏi ngục tù, chúng tôi hiên ngang bước vào cuộc chiến đấu mới, cùng đồng đội tiếp bước quân hành làm nên thắng lợi lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước".
Trước âm mưu thâm độc và hành động dã man của địch, các đảng viên kiên trung đã tìm tới nhau thành lập tổ chức Đảng bí mật trong phân khu giam - Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc để tập hợp, lãnh đạo quần chúng chống lại địch. Đảng ủy đã tổ chức các lớp học chính trị, học văn hóa, học nhạc, học vẽ, học y tá… và qua đó, anh em nắm được các diễn biến ngoài chiến trường, biết được dư luận quốc tế đang ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta, từ đó củng cố niềm tin của anh em vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến. Anh em luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, tin tưởng lẫn nhau, sống gắn bó, yêu thương, biết chia sẻ. Tinh thần kiên trung, bất khuất của các tù binh đã làm chính kẻ địch dù dã man, tàn ác vẫn phải nể phục”, ông Đinh Duy Điệp chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình trân trọng gửi lời thăm hỏi ân cần và bày tỏ những tình cảm tri ân sâu sắc nhất đến các đồng chí cựu tù chính trị, tù binh và các đại biểu. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh: Kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là việc làm có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, nhắc nhở chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước bị địch bắt tù đày.
"Gần 48 năm thống nhất đất nước, 50 năm chấm dứt chế độ nhà tù của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, nhưng ký ức về một thời máu lửa vẫn còn như mới hôm qua. Để có được hòa bình, độc lập tự do, hạnh phúc như hôm nay, chúng ta đã phải đổi bằng sự hy sinh xương máu, tính mạng của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các cựu tù chính trị, tù binh đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận và thực hiện chế độ cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Toàn tỉnh đã xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ cho 727 người, hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng 419 người, trên 500 người đã được tặng Kỷ niệm chương tù đày. Tỉnh đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù đưa vào nghĩa trang liệt sĩ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, kẻ địch đều lấy đảo Phú Quốc làm địa điểm xây dựng trại giam như: Căng Cây Dừa (1953 - 1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955 - 1957) và Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc (1967 - 1973). Do điều kiện tự nhiên, Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, chúng mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn, áp bức tù binh mà không sợ bị dư luận lên án. Đặc biệt là cách ly tù binh với cuộc đấu tranh của quân và dân ta ở đất liền, hạn chế các cuộc đấu tranh vượt ngục và tránh những cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm giải thoát tù binh.
Theo đó, Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc bắt đầu hoạt động vào ngày 6/7/1967, là trại giam lớn nhất của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam, giam giữ hơn 40.000 tù binh là các chiến sĩ yêu nước và dân thường bị chúng bắt giữ trong các cuộc chiến đấu, càn quét ở khắp các tỉnh, thành miền Nam. Với gần 7 năm hoạt động, áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn tàn bạo đối với các tù binh từ thời trung cổ đến hiện đại, đã làm hơn 4.000 tù binh chết, số người còn sống trở về hầu hết bị thương tật. Tuy bên ngoài lành lặn nhưng trong người mang đầy bệnh tật, đau yếu thường xuyên do di chứng của những đòn roi dã man trong trại giam. Với tội ác man rợ của Mỹ - Ngụy gây ra, mọi người đã gọi nơi đây là “Địa ngục trần gian”. Tháng 1/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, trong đó có tù binh Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc và cũng là thời điểm kết thúc sự tồn tại của “Địa ngục trần gian” này.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc” là bằng chứng về tội ác dã man của thực dân, đế quốc và tay sai. Chính nơi đây, trong cảnh đen tối của “Địa ngục trần gian” lại rực sáng lên màu đỏ tươi của ngọn lửa và tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, của đồng chí, đồng bào ta - Biểu tượng của chủ nghĩa cách mạng, với những tấm gương anh hùng cách mạng, của khí phách Việt Nam, góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh”.
“Tôi đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và cả hệ thống chính trị, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” bằng những chương trình, hành động, việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người có công, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, nhất là những gia đình còn khó khăn trong cuộc sống. Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, quan tâm đầu tư phục dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình, tích cực sưu tầm hình ảnh, di vật, hoàn thiện các tư liệu lịch sử, xuất bản ấn phẩm, gắn với tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn… để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của nhân dân mọi miền Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế”, Đại tướng Lương Cường nêu rõ.
Trước đó, tại buổi lễ các đại biểu được xem phim phóng sự 50 năm “Chiến thắng trở về” và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”: Phú Quốc - Bản hùng ca bất khuất, với biễu diễn hát, múa, ca kịch “Non sông ngàn năm gấm vóc”, “Ngày trở về”, “Ký ức hào hùng”, “Khát vọng tự do”, “Vinh quang bài ca chiến thắng”… tái hiện lại lịch sử chiến đấu hào hùng, khí phách hiên ngang của những cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.
Lê Huy Hải